Vụ mùa này, năng suất ngô ở tỉnh Đắc Lắc đạt kỷ lục, với mức bình quân 8 tấn/ha. Trúng mùa, nhưng người trồng ngô ở đây không vui, vì giá bán quá thấp. Do không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân phải tùy thuộc vào thương lái.

21ngo.jpg
Thu hoạch ngô ở Ea Kar

Anh Nguyễn Tấn Tám ở thôn Phước Thọ 1, xã Ea Phê, huyện Krông Pách (Đắc Lắc) cho biết: “So với những năm trước, vụ ngô này thời tiết thuận lợi, gia đình đầu tư thâm canh nên năng suất đạt kỷ lục. Với 1 ha ngô, giống CP888, sản lượng đạt hơn 10 tấn, nhưng giá bán lại rất thấp. Nhưng giá ngô lại đang thấp hơn mọi năm, chỉ đạt 3.500 đồng/kg, trong khi trước đó giá từ 4.500-5.000 đồng/kg. Hơn nữa, gia đình làm ra sản phẩm rồi tự đi bán, không có hợp đồng gì cả, giá cả tùy thuộc vào đại lý hết”.

Huyện Ea Kar là một trong những vùng trồng ngô nhiều nhất ở tỉnh Đắc Lắc. Nông dân ở đây cũng vừa cơ bản thu hoạch xong vụ mùa. Dọc 2 bên đường vào xã Chư Huê, huyện Ea Kar, trong những ngày này sân nhà nào cũng ngổn ngang ngô vừa thu hoạch. Gia đình ông Y Pen Mlô (dân tộc Ê Đê) vừa thuê máy tẽ được 4 tấn ngô hạt, không có chỗ phơi, đành phải bán ngô tươi, với giá 3.000 đồng/kg.

Là hộ có diện tích ngô nhiều nhất ở xã Chư Huê, huyện Ea Kar, vụ này gia đình ông Phùng Văn Đúng trồng 4 ha, thu được hơn 40 tấn ngô hạt. Tuy nhiên, theo hạch toán của ông, sau khi trừ chi phí đầu tư, gồm: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuê máy cày xới và máy tẽ hạt,... thì lãi không đáng kể.“Giá quá thấp, không đảm bảo được chi phí. Ở đây đa số trung gian đến thu mua. Nếu giờ mình để ngô lại thì không có vốn đầu tư, vì phải làm gối vụ. Ngô này không bảo quản được vì không có máy sấy, trong khi mưa nhiều không phơi được. Nếu chính quyền xã, thôn có cách ký kết hợp đồng với nhà máy tiêu thụ sản phẩm cho dân thì tốt quá”.Ông Nguyễn Văn Vở, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Huê cho biết, vụ này toàn xã có khoảng 1.500 ha ngô, nhiều nhất trong huyện Ea Kar. Hầu hết nông dân trồng các giống ngô lai, năng suất từ 7 tấn đến trên 10 tấn/ha. Sản lượng ngô rất lớn, nhưng không có lò sấy, không bảo quản được, đành phải bán cho thương lái với giá thấp.

Ea Kar là huyện có diện tích ngô nhiều nhất của tỉnh Đắc Lắc, sản lượng hàng năm khoảng 100.000 tấn. Mặc dù trên địa bàn huyện có nhà máy chế biến thức ăn gia súc của Công ty CP, nhưng điều đó chỉ thuận lợi cho nhà máy thu mua nguyên liệu, chứ không có ý nghĩa gì đối với việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Dù ở gần nhà máy, nhưng nông dân cũng chỉ bán được sản phẩm qua khâu trung gian, đó là thương lái, hoặc đại lý. Giá cao hay thấp, mua ít hay nhiều cũng tùy thuộc vào họ.

Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar cho biết: “Mức giá này là do đầu mối thu mua lớn. Hầu hết nông dân ít được bán trực tiếp cho công ty mà phải qua một số kênh đại lý. Nông dân sản xuất ra năm ba tấn chở đến thì công ty không áp dụng hình thức mua như thế. Từ trước đến giờ, chúng tôi cũng chưa thấy việc hợp đồng mua sản phẩm ngô”.

Thực tế này một lần nữa cho thấy điệp khúc “được mùa mất giá” lại tái diễn đối với nhiều loại nông sản ở Đắc Lắc nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Đắc Lắc tự hào là tỉnh có sản lượng ngô nhất nhì cả nước, với trên 500.000 tấn/năm, nhưng chủ trương của Nhà nước về liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu sản phẩm ngô ở đây dương như chưa được quan tâm đúng mức./.