Nơi có thương hiệu thì thụ động
Thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển làng nghề - du lịch Chăm Ninh Thuận từ năm 2009 đến năm 2011, hai hợp tác xã (HTX) làng nghề Bàu Trúc và Mỹ Nghiệp đã được thành lập. Nhãn hiệu gốm Bàu Trúc do Công ty Trách nhiệm hữu hạn gốm Bàu Trúc đăng ký và được cấp giấy chứng nhận từ năm 2006, được thỏa thuận chuyển nhượng nhãn hiệu cho HTX gốm Chăm Bàu Trúc tiếp nhận và quản lý. Nhãn hiệu tập thể dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp cũng đã được đăng ký và quyền sử dụng thương hiệu thuộc HTX Mỹ Nghiệp.
Ông Trần Văn Hùng, phó phòng Kinh tế - Cơ sở hạ tầng huyện Ninh Phước, cho biết đề án này có ba hạng mục đầu tư chủ yếu là đầu tư về cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ mới vào phát triển làng nghề như một số máy móc, lò nung, thứ ba là hỗ trợ vốn vay để đầu tư vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Phòng kinh tế hạ tầng đã phối hợp với UBND thị trấn Phước Dân và hai HTX xây dựng một website nhằm quảng bá thương hiệu cho hai làng nghề là: www.langnghecham.com. Đến nay thương hiệu, logo của làng nghề cũng đã có.
Dệt thổ cẩm ở HTX thổ cẩm Mỹ Nghiệp |
Được quyền sử dụng thương hiệu, được Nhà nước hỗ trợ đầu tư, nhưng hai HTX này vẫn chưa có hướng phát triển cụ thể và bền vững. Ông Hàm Minh Thiệu, chủ nhiệm HTX thổ cẩm Mỹ Nghiệp và ông Chế Nhất Khui, phó chủ nhiệm HTX gốm Bàu Trúc đều nói rằng khó khăn lớn nhất của hai HTX là đầu ra cho sản phẩm. Hiện sản phẩm làm ra chủ yếu được bán tại chỗ cho khách du lịch và tại các hội chợ chứ chưa có đầu ra ổn định, lâu dài.
Bán hàng tại các hội chợ không phải cách phát triển nghề bền vững vì các hội chợ có thể năm này được tổ chức, năm khác lại không. Và tham gia hội chợ, các HTX được hỗ trợ về phương tiện đi lại, chi phí gian hàng nên mới có thể có lãi. Còn để sản phẩm thực sự có thị trường ổn định thì cần những đối tác đặt hàng thường xuyên, đều đặn. Có được điều này, cần đến sự năng động của bản thân những người làm nghề, nhưng ông Hàm Minh Thiệu, chủ nhiệm HTX thổ cẩm Mỹ Nghiệp thừa nhận là họ chưa biết cách quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, do năng lực của bộ máy lãnh đạo HTX còn yếu. Ông Thiệu mong muốn được đào tạo về cách lãnh đạo, cách hoạch định kế hoạch, cách sử dụng tài sản, học về tài vụ, hoặc học thêm thiết kế để có thể đưa HTX thoát khỏi tình trạng hiện tại.
Người dân phải tự tìm đường đi
Có một thực tế đáng buồn ở Mỹ Nghiệp và Bàu Trúc là những hộ kinh doanh, làm ăn được bằng nghề gốm và dệt không muốn vào HTX.
Gia đình ông Sử Văn Ngọc ở Bàu Trúc đã thành lập Công ty TNHH gốm Chăm Kiều Lan và làm ăn khá phát đạt, mỗi tháng tiêu thụ được 2,3 xe đồ gốm mỹ nghệ cho các nhà hàng, khách sạn, quầy hàng lưu niệm ở các thành phố lớn. Để có kết quả ấy, ông Ngọc và các con đã làm nhiều cách để quảng bá cho sản phẩm gốm của gia đình mình. Ngoài việc thường xuyên tham gia trưng bày tại các hội chợ, tìm các mối tiêu thụ ở những thành phố lớn, lò gốm nhà ông còn có trang web riêng để khách hàng tiện theo dõi và đặt hàng.
Theo ông Ngọc, mỗi gia đình làm nghề phải biết cách tự tìm đầu ra chứ không nên trông chờ vào sự trợ giúp của chính quyền. Lý giải việc gia đình ông không muốn vào HTX, ông Ngọc bày tỏ sự e ngại khi vào HTX sẽ phải san sẻ đơn đặt hàng cho các hộ khác làm, ông không thể kiểm soát được chất lượng, có thể sẽ dẫn đến mất uy tín của lò gốm gia đình mình.
Gian hàng gốm Chăm tại một hội chợ |
Ông Hàm Minh Thiệu, chủ nhiệm HTX thổ cẩm Mỹ Nghiệp cho biết tại làng Mỹ Nghiệp cũng có nhiều cơ sở sản xuất tự nhân làm ăn phát đạt nhưng không muốn vào HTX. Csác chủ cơ sở này đều có chung tâm lý e ngại như ông Ngọc và khi có thể tự bươn chải được thì họ không cần một tổ chức chung. Điều này chứng tỏ hai HTX chưa tạo dựng được uy tín, lòng tin đối với chính người dân làm nghề.
Trong khi đó, có những cá nhân muốn phát triển nghề thì không được đầu tư. Như chị Thiên Thị Tượng ở làng Chung Mỹ làm nghề dệt hơn 30 năm nay. Lúc ít nhất chị cũng có 4 khung cửi dệt, lúc nhiều lên tới 7 khung. Với những khung cửi này, chị đã nuôi được cả gia đình, cho các con ăn học. Từ hơn mười năm trước, chị Tượng đã biết đi tìm đầu ra cho sản phẩm của mình ở các tỉnh thành gần Ninh Thuận như Huế, Hội An. Chị tìm đến những khu du lịch có nhiều khách tham quan để tìm mối bán hàng.
Chị Tượng nói chị chỉ cần có vốn để sản xuất, bỏ gối đầu cho các khách sạn, khu du lịch chứ chị không lo không có chỗ tiêu thụ sản phẩm, vì lâu nay, sản phẩm chị làm ra bao nhiêu đều bán hết bấy nhiêu. Nhưng chị Tượng lại không được đầu tư vốn vì chị ở làng Chung Mỹ, không thể gia nhập HTX Mỹ Nghiệp. Thiếu vốn, chị Tượng chỉ làm được ít hàng và toàn những hàng đơn giản, rẻ tiền, bán kiếm sống qua ngày. Chị Tượng không phải trường hợp cá biệt ở Chung Mỹ thiếu vốn đầu tư như thế.
Nơi được đầu tư thì thụ động, không phát triển, nơi biết cách phát triển thì thiếu vốn đầu tư. Phải giải quyết được nghịch lý này thì nghề dệt, gốm Chăm mới giúp nhiều người dân làm giàu, đồng thời sự đầu tư của Nhà nước mới thu được hiệu quả./.