Cả tháng nay, tại làng bánh tết truyền thống ở xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam không khí rộn ràng. Cả thôn Tân Thọ có hàng chục hộ sản xuất bánh tổ, bánh nổ và các loại bánh in, bánh mè bán ra thị trường số lượng lớn. 

quang_nam_1_vov_wkzt.jpg
Bánh Tổ đây là loại bánh không thể thiếu trong 3 ngày tết đặt lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên của người xứ Quảng.

Ông Đỗ Văn Tuấn ở thôn Tân Thọ, xã Duy Châu cho biết, gia đình theo nghề làm bánh này từ thời ông cha để lại. Trước đây, gia đình thuộc diện hộ nghèo, quanh năm bám 4 sào đất lúa chẳng đủ ăn. Vài năm trở lại đây, nhờ vào nghề bánh nên gia đình khấm khá lên, có tiền xây nhà cửa và cho con cái học hành. Trung bình mỗi ngày, gia đình ông Tuấn bán ra thị trường gần 1.000 cái bánh các loại.

Theo ông Tuấn, công đoạn làm bánh tổ trước tiên chuẩn bị nguyên liệu, gồm gạo nếp xay nhuần nhuyễn, đường bát và gừng cho vào khuôn rồi hấp trong 3 giờ đồng hồ, vớt để ra nguội, bánh chín sẽ đông đặc lại. Đây là loại bánh không thể thiếu trong 3 ngày tết đặt lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên của người xứ Quảng. Theo ông Tuấn, hàng ngày khách du lịch ghé mua nhiều nên lượng bánh làm ra bán không kịp. Dịp Tết này, gia đình ông Tuấn thu lãi chừng 200 triệu đồng từ làm bánh.

Cơ sở của ông  Tuấn sản xuất nhiều loại bánh,  như bánh tổ, bánh nổ và bánh in các loại.

“Tết đến, gia đình làm rất nhiều bánh. Đó là nghề truyền thống của gia đình. Gia đình sống dựa vào bằng nghề bánh này, thu nhập cũng khá giả so với nghề nông. Giờ mở rộng ra nhiều, dân ở đây thấy thu nhập hiệu quả hơn làm nông dân họ làm nhiều, đời sống được nâng lên cho nên có cơ ngơi như thế này và sắm sửa được vật dụng trong nhà. Gần đường quốc lộ khách du lịch ghé tham quan”- ông Tuấn cho biết.

Ngày Tết, gia đình ông Tuấn hoạt động cả ngày đêm mới đủ hàng cung ứng ra thị trường.

Ông Huỳnh Tấn Ánh, một chủ cơ sở sản xuất bánh in ở xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, mỗi ngày gia đình ông sản xuất khoảng 4 đến 5 tạ bánh các loại để bán khắp nơi. Người dân nơi đây làm bánh in quanh năm. Bánh này làm từ bột nếp, đậu xanh, đường cát, sau đó cho vào khuôn, ép chặt tạo nên những chiếc bánh với đủ hình dáng.

Tại xã Duy Thành có hàng chục hộ sản xuất bánh các loại với hàng trăm lao động có việc làm ổn định. Bánh in An Lạc có vị ngọt thanh của đường, vị thơm của nếp và đậu xanh, rất xốp. Dịp tết, cơ sở của ông Ánh và nhiều cơ sở ở làng nghề phải hoạt động cả đêm mới đủ hàng bán ra thị trường.

“Thời gian làm 30 năm, có bạn hàng gần xa, thị trường buôn bán cũng ổn. Đến hôm nay gia đình thu nhập tương đối ổn định. Tôi cũng tạo nhiều lao động việc làm cho địa phương. Trước đây làm nông cũng vất vả, nghề bánh này mang lại hiệu quả. Lượng hàng đặt rất nhiều nên huy động anh em tăng ca. Vì bánh cổ truyền nên họ ưa chuộng mua về cúng ông bà tổ tiên”- ông Huỳnh Tấn Ánh cho biết.

Mỗi ngày cơ sở bánh in của ông Huỳnh  Tấn Ánh sản xuất từ 4 đến 5 tạ bánh các loại để bán khắp nơi.

Ông Lê Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, trước đây cuộc sống của bà con nơi đây hết sức khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. 5 năm trở lại đây, bà con tập trung làm nghề bánh truyền thống đời sống khấm khá hơn. Có hộ mua được xe ô tô, xây nhà cửa khang trang….Để hỗ trợ người dân giữ nghề truyền thống, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ bà con về vốn mở rộng sản xuất.

“Trong dịp Tết, số lượng sản xuất nhiều lên, nhu cầu thị trường tiêu thụ mạnh hơn người dân tăng thêm về lao động thu nhập cao hơn. Có một số khách du lịch đến để tham quan và mua sắm. Gắn nghề truyền thống để phát triển du lịch nằm trong định hướng phát triển của huyện. Trong thời gian tới, huyện cũng tạo mọi điều kiện đầu tư các làng nghề đó tiếp tục phát triển”- ông Lê Trung Cường cho biết./.