Ngân hàng Quốc gia Campuchia đã quyết định đưa ra 10 chính sách ưu tiên nhằm tăng cường tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, sau khi hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua. Ngân hàng Quốc gia Campuchia cũng dự báo lạm phát sẽ được giữ khoảng 2,6%.

Trong báo cáo kết quả hoạt động thường niên năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022, Ngân hàng Quốc gia Campuchia đã quyết định đưa ra 10 chính sách ưu tiên để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Trong đó tập trung vào việc duy trì tỷ giá ổn định giữa đồng riel và đồng đô la Mỹ, thúc đẩy việc sử dụng đồng riel, tăng cường thực hiện các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu cho các lĩnh vực chủ lực, cải thiện môi trường tài chính...

Ngoài ra, các chi nhánh của Ngân hàng Quốc gia Campuchia ở tất cả các tỉnh và thành phố phải tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế địa phương, thông qua việc cung cấp các dịch vụ quản lý tiền mặt chủ động và hiệu quả, đồng thời góp phần nâng cao kiến ​​thức, bảo vệ khách hàng thông qua đường dây nóng và tranh thủ lợi thế của các công nghệ tài chính mới.

Đặc biệt, tăng cường tính bền vững cho lĩnh vực kinh doanh và đề ra các kế hoạch dự phòng trước tác động của Covid-19, phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Việc giảm thiểu biến đổi khí hậu cũngđược đưa vào Chính sách tăng trưởng Kinh tế Quốc gia năm 2022 của Ngân hàng Quốc gia Campuchia.

Theo Ngân hàng Quốc gia Campuchia, với tư cách chủ tịch ASEAN vào năm 2022, Ngân hàng Quốc gia sẽ góp phần tăng cường hội nhập tài chính và an ninh tài chính trong khu vực thông qua tự do hóa các dịch vụ ngân hàng, tích hợp hệ thống thanh toán và cơ chế phù hợp nhằm ngăn ngừa và giải quyết các khủng hoảng.

Trong báo cáo phương hướng công tác năm 2022, Ngân hàng Quốc gia Campuchia dự báo lạm phát trong năm 2022 sẽ được giữ khoảng 2,6%, trong khi tỷ lệ lạm phát chung năm 2021 là 3% và năm 2020 là 2,9%. Dự báo lạm phát 2,6% dựa trên việc giá lương thực sẽ giảm do nguồn cung tăng, thu nhập hộ gia đình tiếp tục phục hồi, giá hàng hóa và dịch vụ liên quan đến nhiên liệu sẽ giảm giá trở lại.

Năm 2021, tài sản của hệ thống ngân hàng tăng 16% tương đương 68,2 tỷ USD, trong khi cho vay tiêu dùng tăng 21,2% (tương đương tăng 45,7 tỷ USD) và tiền gửi của khách hàng tăng 15,4% (tương đương khoảng 38,5 tỷ USD)./.