Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tại Campuchia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hôm nay (22/12), tại Thủ đô Phnom Penh, đoàn đại biểu Bộ Công Thương do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh dẫn đầu, đã có buổi trao đổi và làm việc với Bộ Thương mại Campuchia do Quốc vụ khanh Sok Sopheak làm trưởng đoàn về hợp tác thương mại song phương.

Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng nhau trao đổi, thống nhất về các bước tiếp theo của tiến trình đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại biên giới giữa hai quốc gia; đồng thời thảo luận về một số biện pháp tăng cường hợp tác thương mại song phương thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19 đang hoành hành, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của mỗi nước.

Các đại biểu cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2020 và năm 2021. Theo đó, ngay từ năm 2019, kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia đã đạt 5,2 tỷ USD, vượt mục tiêu mà lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra là 5 tỷ USD vào năm 2020. Năm 2020, kim ngạch thương mại song phương tăng gần 3 lần so với năm 2010.

Năm 2021, mặc dù hai nền kinh tế tiếp tục chịu tác động của đại dịch Covid-19, thương mại Việt Nam - Campuchia có sự tăng trưởng bứt phá. Tính đến tháng 11 năm 2021, kim ngạch giữa hai nước đã đạt 8,63 tỷ USD, tăng 83,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trước đó, ngày 21/12, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen cùng đông đảo Lãnh đạo Bộ, ngành của Việt Nam và Campuchia, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh – Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia và Bộ trưởng Thương mại Campuchia Pan Sorasak đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc đàm phán Hiệp định Thương mại biên giới.

Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Campuchia được dự báo sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước ở khu vực biên giới, với mục tiêu cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là cư dân sinh sống ở khu vực biên giới. Đồng thời, Hiệp định cũng đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của mỗi nước, trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi./.