Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) vừa tiến hành cắt giảm hoạt động cho vay, cũng như áp dụng các biện pháp hạn chế tín dụng tại Nga sau khi Mỹ và châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt đối với nước này sau khủng hoảng tại Ukraine.

ava_lwtm.jpgNgân hàng RBS siết chặt tín dụng tại Nga (Ảnh: Reuters)

RBS với 81% cổ phần thuộc chính phủ Anh, cho biết ngân hàng này đã xem xét lại xếp hạng tín dụng, điều chỉnh giới hạn cho vay và hạn chế tín dụng bổ sung đối với các hoạt động kinh doanh mới tại Nga.

Trong báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm, RBS cho biết hiện các khoản cho vay tại Nga đã giảm 100 triệu Bảng xuống còn 1,8 tỷ Bảng, trong đó cho vay doanh nghiệp chiếm 900 triệu Bảng và 600 triệu Bảng là các khoản cho các ngân hàng Nga vay.

RBS cũng cho biết tổng dư nợ của mình tại Nga đang ở con số 2,1 tỷ Bảng, trong đó có có một số dư nợ “khó đòi” với một số ngân hàng Nga.

Các ngân hàng và công ty khác của châu Âu cũng đang tiến hành các động thái tương tự để đáp lại lời kêu gọi trừng phạt Nga của Liên minh châu Âu.

Ngân hàng ING của Hà Lan hoạt động tại Nga và Ukraine đã được 20 năm, với tổng các khoản vay lần lượt lên tới 7,5 tỷ euro và 1,5 tỷ euro, nay cũng xem xét lại danh mục đầu tư và điều chỉnh các tiêu chí cho vay chặt chẽ hơn.

Các ngân hàng thuộc EU khác như Natixis và Société Générale của Pháp cũng bắt đầu cắt giảm cho vay và siết chặt chính sách tín dụng tại Nga.

Tập đoàn dầu lửa của Pháp là Total cũng ngừng mua cổ phiếu của công ty đối tác Novatek của Nga từ hồi tháng trước.

Trong khi đó, hãng đồ thể thao nổi tiếng của Đức là Addidas đã đóng cửa toàn bộ chuỗi cửa hàng tại đây.

Trước đó, Liên minh châu Âu ngày 31/7 đã chính thức thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga, trong đó hạn chế mua bán vũ khí với Nga và hạn chế Nga trong việc tiếp cận các thị trường tài chính châu Âu. Liên minh châu Âu cũng cảnh báo các biện pháp trừng phạt có thể được nới lỏng hoặc thắt chặt bất cứ lúc nào, tùy thuộc vào các động thái từ Nga./.