Đây là thông tin mà Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đưa ra trong cuộc phỏng vấn với CNBC ngày hôm qua (13/4).

Bộ trưởng Anton Siluanov cũng bác bỏ thông tin rằng Nga đang cố gây sức ép chính trị với Ukraine thông qua việc tăng giá khí đốt của Tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom.

“Cả hai bên cần phải thực hiên đúng những cam kết được thỏa thuận trong hợp đồng. Vì vậy tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng Nga đang gây sức ép với Ukraine.”, ông Siluanov nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết sẽ có thêm một số điều kiện đối với Ukraine trong việc hỗ trợ tài chính.

Theo ông Siluanov, các điều kiện này có thể liên quan tới việc cải cách hiến pháp dự kiến ​​sẽ được thực hiện tại Ukraina. Trong đó cũng bao gồm một cuộc bầu cử Tổng thống theo hiến pháp mới, sự công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về sáp nhập Crimea, và một giải pháp hòa bình cho tình hình ở phía Đông của Ukraine.

Trước đó, Nga đã thực hiện một chương trình cứu trợ tài chính với Ukraine, tuy nhiên chương trình này đã bị dừng lại sau khi cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị phế truất.

Vào cuối tuần trước, Tập đoàn năng lượng quốc gia Ukraine Naftogaz đã công bố dừng thanh toán tiền khí đốt cho Nga tới khi nào kết thúc được đàm phán về giá cả. Phía Ukraine cho rằng mức giá 500 USD/1.000 m3 là bất hợp lý và phi thị trường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá việc dừng thanh toán khí đốt nguyên nhân chính là do Ukraine đang gặp khó khăn về ngân sách. Việc trì hoãn thanh toán khoản nợ khí đốt của Ukraine làm dấy lên mối lo ngại kịch bản “Cuộc chiến khí đốt giữa Nga và Ukraine” năm 2009 rất có thể sẽ lặp lại với những hậu quả kinh tế nghiêm trọng, thậm chí là việc ngừng cung cấp khí đốt cho Châu Âu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và nhiều quốc gia châu Âu cho biết có thể sẽ cung cấp cho Ukraine 6 tỷ USD trong đợt cứu trợ tài chính đầu tiên.

Ngân hàng Thế giới World Bank (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng của Ukraine xuống còn âm 3% trong năm 2014. WB cho biết, nền kinh tế Ukraine đã bắt đầu có dấu hiệu suy thoái từ vài năm trước, song sức khỏe của nền kinh tế ngày càng yếu sau cuộc khủng hoảng chính trị leo thang ở quốc gia này. Theo đó, thâm hụt ngân sách của Ukraine không ngừng tăng lên qua các năm, các nhà đầu tư liên tục rút vốn khỏi thị trường do tỷ  giá hối đoái bị giữ cố định qua nhiều năm và nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm sút là những lý do khiến tăng trưởng GDP của quốc gia này lao dốc./.