Ngân hàng Trung ương Nga mới công bố con số chính thức về dòng vốn ròng chảy ra khỏi quốc gia này trong 3 tháng đầu năm nay vào khoảng 64 tỷ USD. Đây là con số lớn nhất kể từ cuối năm 2008 khi xảy cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra làn sóng thắt chặt tín dụng. Ba tháng cuối năm 2008, dòng vốn chảy khỏi Nga là 132,1 tỷ USD. Còn cả năm ngoái, nước này bị rút mất 59,6 tỷ USD.

Trước đó, Ngân hàng này đưa ra con số ước tính dòng vốn chảy khỏi quốc gia là 50,6 tỷ USD, song sau đó đã cộng thêm 13,2 tỷ USD thuộc các giao dịch ngoại hối giữa ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại mà các chuyên gia cho rằng sẽ cung cấp một bức tranh toàn diện và rõ ràng hơn về dòng chảy của vốn.

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng cảnh báo Nga có thể bị rút tới 150 tỷ USD vốn ngoại nếu như cuộc khủng hoảng Ukraine trở nên nghiêm trọng hơn.

Động thái sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga tháng trước của Tổng thống Vladimir Putin đã khiến nước này phải chịu lệnh trừng phạt của cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Việc này khiến nhà đầu tư lo lắng kinh tế Nga sẽ khó tăng trưởng năm nay và nhiều hoạt động kinh doanh tại đây sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đồng ruble Nga cũng đã mất giá 8% so với USD năm nay và là đồng tiền tệ thứ nhì trong 24 nước mới nổi được Bloomberg theo dõi, sau peso Argentina. Chỉ số chứng khoán RTS Index cũng giảm 18%, trong khi MSCI Các thị trường mới nổi tăng 1,3%.

Do vậy các nhà đầu tư đã nhanh chóng rút vốn khỏi quốc gia này để tìm đến các thị trường an toàn hơn.

Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev đầu tuần này đã dự báo Nga có thể tăng trưởng từ 0,5-1,3% vào cuối năm nay. Trong khi đó theo WB thì tốc độ này là âm 1,1%./.