Sau 1 năm đi vào hoạt động ngoài việc xây dựng cơ chế chính sách, bộ máy con người, kỹ năng hoạt động, đến nay Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua được tổng cộng khoảng 86.000 tỷ đồng nợ xấu. “Ngay từ đầu chúng ta đã có chủ trương không sử dụng Ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa VAMC của Việt Nam với thế giới”- Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nói tại phiên trả lời chất vấn của Quốc hội chiều nay (29/9).

Việt Nam dùng 0% GDP xử lý nợ xấu, còn thế giới có thể dùng tới 60%

Nhiều Đại biểu Quốc hội sốt ruột về kết quả xử lý nợ xấu và băn khoăn về năng lực xử lý nợ xấu của VAMC, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, trong bối cảnh không có nguồn lực tài chính hiện thực thì không thể mua đứt bán đoạn các khoản nợ phát sinh trong nền kinh tế. Do vậy, phải tìm ra được cơ chế để làm sao tạo điều kiện không những cho TCTD và cho cả khách hành vay vốn của ngân hàng để có khả năng vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.

vamcmuabannoxau_kkrq.jpgThống đốc: Hiện năng lực tài chính của VAMC là hết sức yếu kém (Ánh minh họa: KT)

Ông Bình cho biết: Thiết kế cơ bản của VAMC là khi mua lại một khoản nợ xấu, theo quy định hiện hành, TCTD phải trích lập ngay 100% giá trị của khoản nợ xấu đó. Nhưng trước tình hình khó khăn hiện nay của các TCTD thì rất khó thực hiện được việc trích lập này. Do vậy, khi mua lại nợ xấu, các TCTD được trích lập các khoản nợ xấu đó trong vòng 5 năm. Ngược lại, sau khi mua lại các khoản nợ này đổi lại bằng trái phiếu của VAMC, trong trường hợp TCTD có nhu cầu về thanh khoản được chiết khấu trái phiếu tại NHNN với tỉ lệ nhất định để tạo thêm thanh khoản chung cho TCTD, cho nền kinh tế.

Đối với khách hành vay vốn của VAMC cũng có thêm thuận lợi khi các khoản nợ đã bán cho VAMC không được coi là nợ xấu nữa, như vậy khách hàng có điều kiện tiếp cận các nguồn vay mới của các TCTD để tiếp tục phát triển và phục hồi sản xuất. Các khoản nợ đã được bán cho VAMC sẽ được VAMC cơ cấu lại nợ về thời gian và lãi suất cho phù hợp với bản chất của khoản nợ đó, ví dụ những khoản cho vay dài hạn nhưng dùng vốn ngắn hạn, lãi suất trước đây cao nay cũng phải cơ cấu điều chỉnh lại…

Do đó, trong hoàn cảnh không có nguồn vốn ngân sách, đây là một cơ chế phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, giảm đi được nợ xấu trong một thời gian nhất định. Theo thống kê của các quốc gia trên thế giới, mỗi quốc gia thường sử dụng trung bình 20-30% GDP để xử lý nợ xấu, cá biệt có những nước sử dụng đến 60-70% GDP và ở những nước ít bị ảnh hưởng nhất cũng phải sử dụng đến 7 - 10% GDP để xử lý nợ xấu, nhưng tại Việt Nam không sử dụng % GDP cho việc này. Do vậy, trong bối cảnh của Việt Nam, mô hình VAMC như vậy là chấp nhận được.

Dự kiến tăng vốn của VAMC lên 2.000 tỷ đồng

Đánh giá những khó khăn của VAMC sau 1 năm hoạt động, ông Bình cho biết: theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, mỗi nước có VAMC đều có bộ luật riêng về VAMC để có thể xử lý nợ xấu nhanh, hiệu quả cho phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, nếu nước ta xây dựng ngay một bộ luật như vậy sẽ không có đủ thời gian.  Vậy nên, chúng ta cần phải tiến hành song song 2 bước, vừa ngắn hạn vừa dài hạn. VAMC cũng đã liệt kê tất cả các bộ luật hiện hành với những nội dung không phù hợp với việc xử lý nợ xấu thông qua VAMC để trình Chính phủ, Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội để cân nhắc có hướng điều chỉnh trong thời gian tới.

Trước mắt, trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ giao, VAMC đã liệt kê tất cả danh mục các nghị định, văn bản mâu thuẫn để có hướng điều chỉnh phù hợp hơn trong thời gian tới.

VAMC cũng đang đề xuất với Chính phủ để nâng cao thêm năng lực tài chính cho VAMC, từ mức vốn điều lệ 500 tỷ đồng so với mức 86.000 tỷ đồng VAMC đã mua thì năng lực tài chính của VAMC là hết sức yếu kém, dự kiến tăng vốn của VAMC lên 2.000 tỷ đồng đã được Chính phủ cơ bản nhất trí. Tuy nhiên, con số 2.000 tỷ đồng đối với con số nợ xấu VAMC dự kiến sẽ mua từ năm nay đến năm sau cỡ khoảng 200.000 tỷ đồng thì đây cũng vẫn là con số hết sức khiêm tốn.

VAMC cũng biết rằng nền kinh tế quốc gia còn khó khăn, ngân sách còn phải sử dụng cho nhiều mục đích cấp thiết, vì thế VAMC cũng chưa đòi hỏi việc sử dụng ngân sách trong thời gian này. Tuy nhiên, chúng ta sẽ có những cơ chế để sử dụng công cụ của chính sách tiền tệ tốt hơn nữa để có thể xử lý nhanh hơn vấn đề nợ xấu. Về góc độ chuyên môn, NHNN phối hợp chặt chẽ với các bộ ban ngành để đưa ra các cơ chế phù hợp làm sao thông thoáng hơn về quy định pháp lý rõ ràng hơn, đặc thù hơn và có thêm các cơ chế về tài chính để giúp VAMC hoạt động tốt hơn./.