Ninh Thuận là vùng đất khô hạn, thừa nắng thiếu mưa, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, nghề nuôi dê, cừu lại phát triển giúp cho hàng ngàn nông dân địa phương có thêm nguồn thu nhập cải thiện đời sống. Nhờ chăn nuôi dê cừu mà không ít nông dân nghèo đã vươn lên làm giàu trên vùng đất cằn cỗi của quê hương.
Quán Thẻ là một thôn nhỏ nằm trên Quốc lộ 1 thuộc xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Dưới bầu trời xanh của tiết xuân, đàn cừu đàn dê đang tô điểm sức sống cho vùng đất đầy nắng và gió của tỉnh Ninh Thuận.
Anh Phan Xuân Thăng, người chăn dê nhà ở thôn Quán Thẻ đang chăn đàn dê gần 300 con của gia đình cho biết, dê là con vật nuôi thuần hóa nên thân thiện với con người. Nuôi dê mang lại kinh tế chủ chốt cho người nông dân ở Ninh Thuận.
Những năm 2005-2007, dê cừu rớt giá. Giá bán một con dê chỉ bằng một con gà. Nhiều gia đình bỏ cuộc, nhưng anh Thăng vẫn quyết bám trụ đến cùng. Sự kiên nhẫn ấy đã giúp gia đình anh gặt hái được kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay. Ngoài dê, hiện gia đình anh còn nuôi thêm cừu. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình thu lãi trên 100 triệu đồng. Đó là nguồn thu nhập trong mơ của nhiều nông dân nghèo ở vùng khô hạn này.
“Gia đình có thu nhập ổn định để phát triển cuộc sống như hôm nay đều nhờ con dê trong điều kiện đất đai, khí hậu khắc nghiệt”, chị Nguyễn Thị Bình, vợ anh Thăng chi sẻ.
Tại Ninh Thuận, không riêng gì các vùng đồng bằng như Thuận Bắc, Thuận Nam và Ninh Phước, ở các vùng núi Ninh Sơn và Bác Ái cũng phát triển nghề nuôi dê. Trong khi tình trạng thiếu nước sản xuất liên tục xảy ra, trồng trọt bấp bênh, con dê trở thành “chiếc phao” cứu đói cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Một số hộ nhờ tích lũy kinh nghiệm, biết cách chăm sóc tốt đàn dê, từ chỗ nghèo khó đã vươn lên làm giàu.
Gia đình ông Sằn Quang Dưỡng ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái là một điển hình. Vào những năm 90, tài sản duy nhất của gia đình ông là căn chòi lá. Rẫy một vụ trên đất cằn cỗi liên tục mất mùa, làm quần quật nhưng không đủ ăn. Sau nhiều năm tằn tiện tích góp cũng như vay mượn thêm, ông mua được bầy dê cỏ hơn chục con. Thấy nuôi dê khá hơn làm rẫy, ông Dưỡng mua thêm dê lai bách thảo để phát triển kinh tế gia đình. Không ngờ ông Dưỡng thoát nghèo và trở thành một trong số những người khấm khá nhất xã Phước Trung.
“Một năm nuôi dê trừ chi phí công cán, thuốc men gia đình cũng thu lãi 80 triệu đồng. Cũng nhờ đàn cừu, đàn dê giá bán cao, gia đình có thêm chút vốn chia con cái mua thêm đất đai, xây nhà lập nghiệp”, ông Sằn Quang Dưỡng cho biết.
Gần đây, song song với nuôi dê, nông dân tỉnh Ninh Thuận còn phát triển mạnh nghề nuôi cừu - một loại vật nuôi có đặc tính gần giống với con dê. Ông Đinh Công Dư ở xã Phước Minh - huyện Thuận Nam đang nuôi 400 con cừu với lợi nhuận trên 150 triệu đồng/năm, cho biết, gia đình bước vào nghề chăn cừu khoảng 18 năm. Điều kiện thổ nhưỡng tại đây rất phù hợp cho việc phát triển đàn cừu, tạo thu nhập ổn định cho người chăn nuôi.
Ông Đỗ Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh xác định con dê và cừu là vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân nói chung, nhất là đối với nông dân nghèo. Chương trình tam nông đã hình thành các chuỗi giá trị liên kết giữa người chăn nuôi, nhà khoa học, người sản xuất và người tiêu thụ càng tạo thêm triển vọng cho người nuôi dê cừu tỉnh Ninh Thuận sẽ phát triển ổn định và đảm bảo thu nhập cho bà con.
Trong năm mới Ất Mùi, nông dân tỉnh Ninh Thuận hy vọng sản phẩm của mình làm ra được tiêu thụ mạnh. Qua đó, nhiều gia đình ở vùng đất khô hạn Ninh Thuận sẽ có thêm cơ hội vươn lên làm giàu từ nghề chăn nuôi dê cừu trên chính mảnh đất quê hương./.