Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và mạnh dạn đầu tư, tìm tòi phát triển nhiều loại cây trồng trên diện tích đất sẵn có của gia đình, đồng thời kết hợp trồng trọt với chăn nuôi để tận dụng các nguồn lợi, nhiều nông dân ở tỉnh Đắc Lắc trở nên khá giả, kinh tế gia đình phát triển ổn định.
Quê ở Thanh Hóa, năm 1992, ông Lê Năng Mười đưa gia đình vào Đắc Lắc, lập nghiệp ở thôn 13, xã Ea Ktur, huyện Chư Quynh. Những ngày đầu ở vùng đất mới gặp nhiều khó khăn, ông Mười nhận liên kết 5 sào cà phê của Công ty cà phê Ea Sim để chăm sóc, khai khẩn đất hoang mở rộng diện tích, trồng cà phê xen cây ngắn ngày, lấy ngắn nuôi dài.
Năm 2006, ông mạnh dạn trồng 650 trụ tiêu (loại trụ xây bằng gạch) xen trong vườn cà phê để tăng thu nhập. Kinh tế gia đình dần ổn định, ông lại xây dựng chuồng trại chăn nuôi.
Mỗi năm 3 đợt xuất chuồng, ông bán ra thị trường gần 4 tấn lợn thương phẩm, hàng ngàn con gà, vịt. Ông Mười xây dựng hệ thống hầm bioga và làm đệm lót sinh học, tận dụng chất thải từ chăn nuôi làm phân bón cho cà phê, tiêu. Với mô hình chăn nuôi khép kín này, đem lại cho gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Lê Năng Mười nói: “Gia đình phát triển chủ yếu nhất là chăn nuôi, chăn nuôi gà, chăn nuôi vịt, chăn nuôi heo. Làm ruộng, làm rẫy, trồng cà phê xen cây tiêu, cây cà phê thì thu tháng 11- 12, cây tiêu thu vào tháng 2, tháng 3. Mình có thể thu hoạch quanh năm trong cùng 1 ha diện tích. Chăn nuôi thứ nhất là lấy phân bón cho lô, đỡ được nguồn chi phí. Thứ 2 là làm hệ thống bioga lấy khí đốt, tận dụng nguồn khí đốt”.
Nhận xét về mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Lê Năng Mười, ông Nguyễn Văn Dũng, chủ tịch UBND xã Ea Ktur, huyện Chư Quynh, cho biết: “Hộ ông Lê Năng Mười trước đây kinh tế rất khó khăn. Nhưng với sự tiếp thu các khoa học kỹ thuật, học hỏi các mô hình kinh nghiệm ở các địa phương khác, ông đã áp dụng, người đột phá đầu tiên trong phát triển kinh tế vườn rồi trồng xen canh các cây có giá trị cao, đặc biệt là tiêu, nên đã góp phần tạo thêm hiệu quả sử dụng đất và tăng thêm thu nhập kinh tế gia đình. Đến nay, nền kinh tế của gia đình đã khá và có bước phát triển ổn định”.
Còn hộ ông Hồ Văn Bình ở thôn 4, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng thì khá giả nhờ nuôi hươu sao. Năm 2009, ông lại mua 1 cặp hươu từ Nghệ An vào nuôi, ông tìm hiểu kỹ thuật nuôi hươu lấy lộc, cách thiết kế chuồng trại sao cho phù hợp. Đến nay, từ cặp giống ban đầu nuôi sinh sản được thêm 6 con con, nâng tổng đàn lên 8 con, trong đó có 7 con đực. Mỗi năm, gia đình ông lấy lộc hươu 2 lần, thu được gần 300 triệu đồng.
Ông Hồ Văn Bình cho biết: “Chăn nuôi con hươu cho hiệu quả cao, rủi ro ít hơn. Con hươu là loài ăn tạp, tôi tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi bứt thêm cỏ, trồng cỏ cho nó ăn, mỗi ngày, một con ăn khoảng 6-7 kg. Cần chú ý khi đến mùa lộc thì cho ăn thêm chất tinh. Nuôi hươu, trước là cắt lộc để bán, và được khoảng 14-15 khối phân/năm, mình lấy nguồn đó để bỏ ra cà phê và các cây trồng khác”.
Không chỉ nuôi hươu, với 1 ha đất, gia đình ông Bình trồng cà phê, xen bơ sáp và tiêu. Ông còn trồng chuối bao quanh vườn, vừa chắn gió, vừa tạo thêm nguồn thu cho gia đình. Nhờ đó, thu nhập hàng năm của gia đình ông luôn ổn định ở mức 400 đến 500 triệu đồng.
Với 4 ha trồng tổng hợp cây cà phê xen cây ăn trái, đem lại cho gia đình ông Đoàn Đức Hồng (ở thôn Giang Điền, xã Ea Puk, huyện Krông Năng) khoản thu xấp xỉ 1,5 triệu đồng/ngày. Riêng với hơn 200 gốc sầu riêng trồng xen trong vườn, vụ sầu riêng vừa qua ông thu được 24 tấn quả sầu riêng bán với giá 20.000 đồng/kg, đem lại khoản thu gần 500 triệu đồng.
Ông Hồng cho biết, vườn cà phê của gia đình trồng từ năm 1996. Đến năm 1998, có dự án đầu tư giống của công ty DONA, ông mua 200 cây sầu riêng về trồng xen trong vườn cà phê, cách 5 hàng cà phê trồng 1 hàng sầu riêng. Sau đó, ông lại trồng xen thêm cam sành và quýt ngọt. Sau 3 năm, vườn cam, quýt bắt đầu cho thu hoạch. Nhà gần chợ nên hàng ngày vợ ông hái cam, quýt đem ra chợ bán. Hiện nay, mỗi ngày gia đình ông bán được gần 1 tạ cam, quýt với giá 25.000-30.000 đồng/kg.
Theo ông Hồng, “tôi bắt đầu trồng sầu riêng, sau đó xen cam quýt để có thu nhập quanh năm. Ban đầu cũng khó khăn lắm vì chưa am hiểu, chưa biết về cây sầu riêng, chưa biết về cây cam. Rồi sau đó cũng tìm tòi, qua sách báo, tài liệu rồi xem những chương trình về nhà nông. Tôi trồng cây muồng để che mát cho những cây mớ trồng ban đầu, nhưng bây giờ cây muồng đó tôi lại phát đi để trồng tiêu xen vào”.
Với hình thức “trồng đa cây nuôi đa con”, người nông dân có thể tận dụng nguồn thu và có thu nhập quanh năm. Mô hình đa cây, đa con cũng hạn chế rủi ro trong quá trình sản xuất, chăn nuôi, giúp người dân ổn định thu nhập và phát triển kinh tế bền vững./.