Theo Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), bên cạnh nỗ lực trong sản xuất sản phẩm xuất khẩu, tập đoàn đang hướng tới mục tiêu chiếm lĩnh thị trường trong nước, với doanh thu nội địa tăng trưởng bình quân 15 – 20%/năm, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đạt 60% vào năm 2015.
Ông Phạm Duy Hạnh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết, nhiều năm liền doanh thu nội địa của Vinatex luôn đạt mức tăng trưởng bình quân 15 – 20%. Năm 2012, trước tình hình kinh tế khó khăn, tổng cầu giảm sút, doanh thu nội địa của Vinatex dự kiến sẽ vẫn đạt mức tăng trưởng gần 10%.
Đặc biệt, từ năm 2009, hệ thống Vinatexmart của tập đoàn đã mở được thêm gần 30 siêu thị, tăng tổng số siêu thị bán lẻ lên 82 với mạng lưới tại 24 tỉnh thành vào cuối năm 2012.
Ngoài ra, các đơn vị thành viên cũng tích cực mở rộng hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý chính thức về hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước với gần 4.000 điểm bán tại đại lý/cửa hàng. Kênh phân phối này đã trực tiếp đưa hàng dệt may chất lượng tốt, giá cả hợp lý tới tay người tiêu dùng.
Trong năm 2012, Vinatex tổ chức 2 Hội chợ Thời trang thường niên vào tháng 9 tại TP HCM với quy mô gần 300 gian hàng và tháng 12 tại Hà Nội với quy mô 400 gian hàng – lấy trọng tâm là sản phẩm thời trang thương hiệu Việt.
Tháng 11/2012, trong chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm của nhau giữa các Tập đoàn và Tổng công ty thuộc Bộ Công Thương, Vinatex đã chủ động ký kết 7 Biên bản ghi nhớ dưới sự chứng kiến của Bộ Công Thương với các Tập đoàn/Tổng công ty như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội, Tổng công ty Giấy Việt Nam…
Bên cạnh đó, Vinatex còn thực hiện trên 15 đợt bán hàng phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp khắp cả nước: khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ./.