Sáng 24/7, tại Hà Nội, Báo Công Thương điện tử tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Để ngành Thép và Xi măng phát triển ổn định, bền vững”.
Tại đây, nhiều ý kiến của độc giả quan tâm đến thực trạng và đề xuất những giải pháp để phát triển bền vững ngành thép và xi măng. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: từ chỗ sản lượng thép xây dựng dưới 1 triệu tấn/năm đến nay, công suất thép xây dựng đạt trên 10 triệu tấn/năm. Nhiều thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại được đầu tư đã góp phần đưa sản lượng thép tăng lên ngang bằng với các nước trong khu vực.
Với ngành xi măng, quy hoạch cho giai đoạn 2011-2020, tính đến năm 2030. Trước mắt, đến năm 2015 tổng công suất sẽ đạt 75 triệu tấn. Để tiết kiệm năng lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều nhà máy xi măng sử dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao. Đến năm 2015 hầu hết các dự án xi măng có thiết bị tận dụng nhiệt khí thải, tự sản xuất khoảng 15% lượng điện tiêu thụ. Dự kiến, đến cuối năm nay, tổng công suất sẽ đạt 70 triệu tấn xi măng, trong đó gần 69 tấn được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết: Phát triển quy hoạch xi măng cũng là phát triển nội lực, sử dụng tài nguyên và nguồn lực của đất nước để bảo đảm cho nền kinh tế có đủ xi măng để phát triển. Bởi vì xi măng là “bánh mì của xây dựng”. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới từ năm 2010 trở lại đây suy thoái, vì khó khăn nên ngành xi măng chúng tôi sử dụng một giải pháp tình thế là đẩy mạnh xuất khẩu. Năm nay, chắc chắn sẽ xuất khẩu trên 10 triệu tấn”.
Một vấn đề nữa thu hút sự quan tâm của độc giả tại buổi giao lưu trực tuyến là hiện nay năng lượng điện có hạn, tạo sức ép để ngành thép, xi măng đầu tư công nghệ và thiết bị tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, năng suất cao, thân thiện với môi trường. Do vậy, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo cơ cấu giá điện, trong đó có biểu giá điện riêng cho ngành thép và xi măng cao hơn các ngành sản xuất khác, và tăng so với hiện tại từ 2% đến 16%.
Về vấn đề này, đại diện Hiệp hội thép và xi măng cho rằng, nếu tăng giá điện thì trái với khuyến khích của Chính phủ, vì đây là ngành đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất. Giai đoạn này, ngành thép lại đang rất khó khăn, nếu tăng giá điện sẽ tăng thêm đầu vào của thép và xi măng mà đầu ra lại không tăng, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Nếu việc tăng giá điện để giúp cho ngành điện không bị lỗ thì doanh nghiệp sẽ ủng hộ nhưng cần có lộ trình đặt ra cho phù hợp với tình hình. Các doanh nghiệp nên bình đẳng với nhau. Hiệp hội Xi măng Việt Nam không tán thành việc đưa giá điện cho ngành thép, xi măng cao hơn ngành khác.
Ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương nêu ý kiến: “Các doanh nghiệp sản xuất cần chia sẻ khó khăn của ngành điện, ngược lại ngành điện để tăng mức tăng đối với ngành thép và xi măng thì phải cân đối với các ngành sản xuất khác cho hợp lý, đồng thời nên cân nhắc xem mức độ thế nào cho phù hợp. Không chỉ đối với hiệp hội mà còn đối với các cơ quan có thẩm quyền, những người có trách nhiệm cân đối việc này, để làm sao đạt mục tiêu để ngành thép, ngành xi măng cùng với ngành điện phát triển”./.