Việc xây dựng các dự án giao thông theo hình thức BOT góp phần phát triển nhanh hạ tầng giao thông, rút ngắn thời gian và chi phí lưu thông. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần phải cân đối giữa mức thu cũng như lộ trình điều chỉnh, không ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh vận tải và thu nhập của người dân.Thứ trưởng Bộ GTVT - ông Nguyễn Hồng Trường đã trao đổi với báo chí về lộ trình cũng như mức phí đường BOT tại Việt Nam hiện nay.
PV:Thưa ông, việc tăng phí đường bộ liệu đã đảm bảo lợi ích các bên hay chưa, khi thời gian vừa qua các nhà đầu tư liên tục đề xuất tăng phí trên các tuyến cao tốc?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Trong quá trình xây dựng các dự án giao thông theo hình thức BOT, Bộ GTVT cũng như Bộ Tài chính đã duyệt phương án tài chính, có lộ trình tăng phí theo CPI cũng như lộ trình hoàn vốn để đảm bảo lợi ích các bên.
Các dự án này cũng có quá trình chuẩn bị kỹ, có lộ trình rõ ràng. Trong quá trình xây dựng trạm thu phí trong giai đoạn từ năm 2011 – 2015, sau 3 năm sẽ xem xét tăng phí, đến nay đã đến giai đoạn các trạm tiến hành tăng phí theo lộ trình.
Để giải quyết thấu đáo, đảm bảo sức chịu đựng của người dân, Bộ GTVT đã xem xét tổng thể tất cả các trạm thu phí. Trạm thu phí trên cao tốc thực hiện theo km, mức trần cho phép cao nhất là 2.000 đồng/km, hiện đang thực hiện theo đơn giá 1.000 đồng, 1.200 đồng và 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn, có nơi đang đề xuất tăng lên 2.000 đồng/km.
Hiện nay, một số trạm đã thực hiện tăng phí lên mức trần như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ chủ đầu tư cũng đang có đề xuất tăng phí từ cuối tháng 6 năm nay, nhưng Bộ GTVT đang xem xét thời điểm, có thể đến cuối năm nay.
PV: Việc tăng phí thời gian qua được đánh giá là không phù hợp, vượt quá sức chịu đựng của người dân. Quan điểm của Bộ GTVT về vấn đề này như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường:Các trạm trên tuyến Quốc lộ chủ yếu thu theo phương án tài chính, phương án cao nhất là hiện nay là 45.000/xe tiêu chuẩn, hiện chỉ thu trung bình ở mức 30.000 - 40.000 đồng/lượng, chỉ có một số trạm tăng lên 45.000 đồng/lượt. Hiện nay, Bộ cũng đang xem xét tính toán lưu lượng cũng như sức chịu dựng của người dân vùng dự án để xem xét lộ trình tăng hợp lý.
Với việc cơ bản áp dụng mức phí 35.000 đồng/lượt đối với xe tiêu chuẩn, Bộ GTVT đã tính toán đến yếu tố đầu vào, đầu ra, đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp, Bộ GTVT cũng đề nghị nhà đầu tư BOT xem xét tăng cường vé tháng. Với loại vé này, doanh nghiệp đã được giảm 15 - 20% mức phí. Đối với người dân xung quanh trạm thu phí, nhà đầu tư BOT thực hiện giảm tiếp trong vé tháng, ví dụ như ở trạm thu phí Hòa Bình, cầu Hạc Trì (Phú Thọ)
PV: Trên thực tế việc tăng phí đã khiến nhiều phương tiện “né” trạm đi vào đường địa phương. Ông có giải pháp nào để xử lý hiện tượng này?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường:Vừa rồi xảy ra vấn đề ở Quốc lộ 5, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) tăng phí ở cả tuyến cũ và tuyến mới nhưng cũng nằm trong lộ trình, do dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được xây dựng bằng hình thức BOT và có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Sau khi tăng phí ở 2 tuyến đường này, một số xe tải chạy vào tỉnh lộ 391 làm hư hại đường địa phương, Bộ GTVT đã yêu cầu tỉnh Hải Dương tăng cường quản lý xe quá tải.
Bộ cũng đã yêu cầu VIDIFI có lộ trình tăng phí hợp lý, ví dụ với xe container 20 feet sẽ không được tăng phí thậm chí còn giảm, chỉ tăng với loại xe ô tô 5 chỗ, 7 chỗ, 12 chỗ và 1 số xe khách, còn xe tải cố gắng giữ mức cũ, không tăng hoặc tăng không đáng kể. Theo như tính toán, nếu không đầu tư đường mới mà sử dụng đường cũ, các doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều chi phí, thời gian, khấu hao, xăng xe…
PV: Nguồn vốn đầu tư các dự án BOT là rất lớn cùng với thời gian thu hồi vốn dài, bộ GTVT đã tính đến những tác động tổng thể hay chưa?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường:Việc tăng phí theo CPI được tính trong 3 năm liên tục. Trong giai đoạn 2010 đến 2013 hầu như không có việc tăng phí, năm 2010 có những trạm chỉ thu phí 10.000 đồng/lượt nhưng sau đó phải điều chỉnh theo cơ chế thị trường.
Việc xây dựng các trạm BOT là dùng nguồn vốn xã hội một lần để thu phí trong nhiều năm, do ngân sách khó khăn. Việc mua lại các trạm thu phí phải tính đến thời điểm khi nền kinh tế phát triển, GDP đầu người phải đạt ngưỡng trên 15.000 USD/người/năm, trong khi chúng ta mới chỉ xấp xỉ 3.000 USD thì rất khó mua lại.
Cần phải khẳng định rằng, Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã tính đến tác động tổng thể khi xây dựng các dự án BOT. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 159 trong đó đưa ra cự ly tối thiểu cho trạm thu phí là 70 km là đã tính đến trung bình 1 xe ô tô trong 1 ngày chỉ đi qua 2 trạm, phù hợp với doanh thu trong ngày.
Khi xây dựng dự án, các nước đưa ra chuẩn thu hồi vốn BOT từ 20 - 30 năm, và Việt Nam lấy mức trung bình là 25 năm. Từ khoảng thời gian 25 năm sẽ đưa ra được mức phí phải thu trong cả giai đoạn. Trong khi nếu tính về chi phí cho việc sử dụng đường BOT, Việt Nam đang đứng thấp nhất Đông Nam Á. Cụ thể là với Trung Quốc đang áp dụng tính 1 NDT/km, các nước khác là tính 0,5 USD/km vì mức thu nhập của người dân các nước này cao hơn Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông!./.