Trao đổi thông tin là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của mỗi con người. Trong xã hội hiện đại, thông tin là cốt lõi cấu thành sự sống, là điều kiện đảm bảo sự tồn tại của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng như sự tồn vong của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, lạm dụng, đánh cắp, kinh doanh thông tin, nhất là với thông tin cá nhân lại là vấn đề mang tính tiêu cực và vi phạm luật pháp.

Tại Việt Nam, thời gian gần đây đã xuất hiện hiện tượng mua bán thông tin cá nhân nhằm mưu cầu lợi ích riêng. Việc làm này đã gây ra nhiều rắc rối, bức xúc, những tổn hại không nhỏ cho các cá nhân, tập thể khi trở thành nạn nhân của việc mua bán thông tin.

Để làm rõ thực tế của hành vi cũng như mức độ nguy hiểm của việc kinh doanh thông tin cá nhân, phóng viên VOV online đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá Nguyễn Tuấn Việt, Phó trưởng phòng An ninh Báo chí - Cục An ninh Thông tin truyền thông (Bộ Công an) về thực trạng mua, bán thông tin cá nhân và mức độ xử lý vi phạm.

PV: Thưa ông, trong thời gian gần đây có rất nhiều khách hàng, cá nhân sử dụng điện thoại di động thường hay bị các cơ sở kinh doanh gọi mời tham gia dịch vụ, mua bán hàng hóa… Theo ông, điều này có sự liên quan nào với loại hình tội phạm vừa được ngành công an phát hiện là mua bán thông tin cá nhân?

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Việt:Qua công tác nắm tình hình trên lĩnh vực và phản ánh từ quần chúng nhân dân, cũng như từ các cơ quan báo chí, chúng tôi nhận thấy trong thời gian qua xuất hiện tình trạng nhân viên các công ty bảo hiểm, các ngân hàng, các công ty dịch vụ… thường xuyên gọi điện thoại đến các cá nhân sử dụng điện thoại di động để mời chào sử dụng dịch vụ, mua bán hàng hóa….

trao-doi-TT.jpg

Điều đáng lưu ý là các nhân viên này đều nắm rất rõ tên, tuổi, địa chỉ và số điện thoại của các cá nhân mà họ gọi đến trong khi các cá nhân, khách hàng lại hoàn toàn chưa từng cung cấp thông tin cho các công ty dịch vụ và mua bán hàng hóa.

Trên cơ sở những nghi vấn trên, Cục An ninh Thông tin truyền thông đã lập kế hoạch truy xét và phát hiện hoạt động mua bán thông tin cá nhân đã và đang diễn ra rất sôi nổi trên mạng Internet.

Việc xử lý 3 đối tượng mua bán thông tin cá nhân vừa qua chỉ là một bước nhằm cảnh báo với các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động mua bán thông tin cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật mà họ đang thực hiện, đồng thời cũng nhằm cảnh báo đối với các tổ chức, cá nhân nắm giữ các thông tin cá nhân của khách hàng trong công tác bảo vệ và quản lý thông tin.

PV: Một số ý kiến nhận định rằng, việc mua bán thông tin của cá nhân, tổ chức vào mục đích kinh doanh là loại hình tội phạm liên quan đến một số đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Theo ông, có sự liên quan giữa hai loại hình tội phạm này không?

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Việt:Việc sử dụng các thông tin của cá nhân, tổ chức vào mục đích kinh doanh chính là một trong những loại hình tội phạm mới tại Việt Nam trong thời đại công nghệ thông tin.

Tháng 9/2011 vừa qua, Công an Trung Quốc cũng đã triệt phá một đường dây buôn bán thông tin cá nhân của hàng trăm triệu người, bắt giữ hai chủ mưu và 24 đối tượng tình nghi.

Tuy nhiên, chính lực lượng Công an Trung Quốc cũng nhận định rằng đường dây này chỉ là "con tép" trong đại dương thế giới ngầm mua bán thông tin cá nhân rộng khắp Trung Quốc.

Từ tháng 6/2010, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an Việt Nam cũng đã liên tiếp tiến hành triệt phá các đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam, lợi dụng công nghệ cao để kết nối liên lạc, đe dọa tổ chức, cá nhân, ép chuyển tiền vào tài khoản của chúng.

Với những thông tin như trên, hoàn toàn có thể hiểu rằng việc kinh doanh các thông tin của cá nhân, tổ chức là bước đầu của việc tiến tới sử dụng công nghệ cao để đe dọa, tống tiền.

PV: Ông có thể cho biết, khi các đối tượng sử dụng thông tin của cá nhân, tổ chức vào mục đích kinh doanh để trục lợi thì thuộc loại tội phạm gì và sẽ bị xử lý như thế nào?

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Việt:Hành vi trục lợi bằng cách bán thông tin cá nhân của người khác có thể sẽ vi phạm vào một trong số các quy định pháp luật sau:

Một là: Quyền bí mật đời tư được quy định tại điều 38 Bộ luật dân sự năm 2005 nêu rõ: “Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư cá nhân phải được cá nhân đó đồng ý…. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được đảm bảo an toàn và bí mật…”.

Hai là: khoản 2 điều 39 Nghị định 83/2011/NĐ-CP (Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông).

Ba là: Nếu nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 226 mục 1 khoản b của Bộ Luật Hình sự về hành vi Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó với mức xử lý theo quy định là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nếu các đơn vị, tổ chức hay doanh nghiệp bán thông tin khách hàng thì cũng sẽ bị xử lý theo khoản 2, điều 39 của Nghị định 83/2011/NĐ-CP của Chính phủ và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn các loại giấy phép; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Ngoài ra, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc chấm dứt cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ viễn thông; buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông…

PV: Được biết, Cục An ninh Thông tin truyền thông (A 87) - Bộ Công an mới đây đã phát hiện và xử lý một số đối tượng mua, bán thông tin của các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ông có thể cho biết, các đối tượng đã sử dụng cách gì để lấy được thông tin cá nhân của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp?

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Việt:Qua công tác điều tra truy xét vụ việc chúng tôi nhận thấy có 2 nguồn chính để các đối tượng thu thập được các thông tin cá nhân: Đầu tiên và đáng kể là mỗi cá nhân chúng ta đã chủ quan khi công bố thông tin cá nhân trên mạng internet như: Mạng xã hội (Facebook, tiwtter, linkedin…..), blog hay còn gọi là nhật ký điện tử cá nhân, các diễn đàn trên mạng Internet….

Nguồn thu thập thứ hai là các thông tin cá nhân của chúng ta khi cung cấp cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đã không được bảo mật tốt dẫn đến lộ lọt ra ngoài bởi một vài cá nhân trong chính các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.

Ngoài ra, các cá nhân, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến công tác bảo mật khi tham gia vào hệ thống internet toàn cầu vì đây cũng là điểm yếu có thể bị các hacker xâm nhập và lấy cắp thông tin.

Trong thực tế điều tra, truy xét vụ việc vừa qua, các đối tượng chủ yếu mua gom các danh sách các khách hàng tham gia đăng ký thành viên, đăng ký tham gia khuyến mãi, đăng ký sử dụng dịch vụ… ở các tổ chức, doanh nghiệp rồi bán lại cho các doanh nghiệp có nhu cầu quảng bá sản phẩm và dịch vụ. 

PV: Cũng liên quan đến sự vụ này, có ý kiến cho rằng A87 đã xử quá nhẹ tay với hình thức: “Đề nghị cấp thẩm quyền xử phạt hành chính” sẽ không đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm, mà cần những biện pháp mạnh tay hơn. Ông có suy nghĩ gì về đề xuất này?

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Việt:Do đây là loại hình tội phạm mới, các đối tượng khi thực hiện hành vi phạm tội chưa ý thức hành vi vi phạm pháp luật của mình nên việc A87 chỉ đề nghị xử lý hành chính là để thể hiện việc chúng tôi muốn cảnh báo, răn đe và phòng ngừa đối với loại tội phạm này.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát các hoạt động mua bán thông tin cá nhân để hệ thống lại và kiến nghị với các cơ quan chức năng tăng mức phạt xử lý hành chính đồng thời sẽ đề xuất xử lý theo Luật Hình sự với những hành vi nghiêm trọng, có thu lợi bất chính lớn.

PV: Ông có khuyến cáo gì đối với các tổ chức, cá nhân… để bảo vệ thông tin cá nhân không bị đánh cắp?

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Việt:Theo tôi, mỗi cá nhân cần hết sức cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin cá nhân của mình trên mạng internet hay với các tổ chức, doanh nghiệp mà mình tham gia.

Mỗi cá nhân cũng có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp có hình thức bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng.

Đối với tổ chức, doanh nghiệp, cần chú ý rà soát thật kỹ, thật chắc công tác bảo mật thông tin của khách hàng trong hệ thống của mình vì đây cũng chính là bảo vệ uy tín, thương hiệu của tổ chức, doanh nghiệp đó với khách hàng.

PV: Xin cảm ơn ông!