Sau 4 năm thực hiện Luật hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp (từ năm 2012-2016), vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ có 1.624 HTX nông nghiệp, chiếm hơn 15% tổng số HTX trong cả nước; bình quân có 85 HTX/tỉnh.

htx_kztz.jpg
Thu hoạch rau củ quả tại một mô hình HTX (Ảnh: doanhnghiepdautu.net)

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỷ lệ HTX ở khu vực Nam bộ và Đông Nam bộ có liên kết với doanh nghiệp cao nhất cả nước.

Đa số các HTX hoạt động chuyên ngành, trong đó trồng trọt chiếm hơn 46%, thuỷ sản chiếm hơn 9%. Số HTX hoạt động tổng hợp chiếm khoảng 22%. Nhiều HTX có quy mô hoạt động rất lớn và tập trung ở các vùng sản xuất hàng hoá, hiệu quả cao, tiêu biểu như: HTX sản xuất và chế biến Đồng Hiệp (Đồng Nai), HTX nông nghiệp Evergrowth (Sóc Trăng), HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường (Đồng Tháp), HTX chăn nuôi và thuỷ sản Gò Công (Tiền Giang)...

Nhiều HTX đạt doanh thu hàng năm trên 10 tỷ đồng, cá biệt có HTX đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng như: HTX bò sữa Tân Thông Hội (TP.HCM), HTX bò sữa Evergrowth (Sóc Trăng),…

Ông Trần Hoàng An, đại diện HTX bò sữa Evergrowth Sóc Trăng cho rằng, để HTX hoạt động đạt hiệu quả và mang tính bền vững trong thời gian qua HTX đã xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sữa của nông dân.

"Đầu ra là vấn đề quan trong nhất. HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm sữa của nông dân làm ra, sau đó bán hết cho nhà máy sữa Cô gái Hà Lan. Theo quy trình bảo quản nhà máy đưa ra, HTX làm tốt khâu này để đạt được chất lượng và giá tốt nhất để mang về cho thành viên của mình. Đó là hoạt động sống còn của HTX cho đến nay", ông An lưu ý./.