Thời gian gần đây, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần họp trực tuyến kiểm điểm, phê bình các địa phương chậm trễ trong triển khai thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, trong đó có tỉnh Bình Định. Trong khi Lãnh đạo địa phương nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, thì các đơn vị thi công khá ì ạch.

anh2depqua.jpg
Nhà thầu đang triển khai thi công nâng cấp quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn thị xã An Nhơn (Ảnh minh họa/BaoCongThuong)

Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Bình Định có chiều dài hơn 100 km, trong đó có 60 km được thực hiện bằng vốn trái phiếu chính phủ, phần còn lại đầu tư theo hình thức đầu tư, kinh doanh, chuyển giao (BOT). Với dự án đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ hiện đang được địa phương triển khai tích cực; còn đoạn do các nhà thầu BOT thi công, tiến độ triển khai khá chậm trễ.

Ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao thông -Vận tải tỉnh Bình Định lo lắng: “Đến nay, 2 nhà đầu tư chưa phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và chưa bàn giao cho địa phương cọc giải phóng mặt bằng bằng bê tông theo thiết kế bản vẽ thi công và khó khăn thứ 2 đối với nhà BOT đó là kinh phí chi trả giải phóng mặt bằng chưa kịp thời”.

Hiện nay, hầu hết các hợp phần của dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Bình Định triển khai quá chậm. Việc triển khai dự án BOT Bắc Bình Định, đoạn qua các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, nhà thầu vẫn chưa bàn giao hồ sơ thiết kế bản vẽ được phê duyệt, khiến địa phương không thể tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng. Tương tự, Tiểu dự án BOT Nam Bình Định đến giờ vẫn còn điều chỉnh hướng tuyến, chưa thống nhất phương án.

Ông Nguyễn Văn Thái, Phó Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cho biết: Các hợp phần thực hiện bằng vốn trái phiếu Chính phủ đã thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhưng dự án BOT thì dẫm chân tại chỗ: “Huyện nỗ lực nhưng do vướng trong việc điều chỉnh có lúc thì 2 bên, có lúc về 1 bên điều chỉnh tuyến về phía Đông rồi cộng lại tiếp tục mở rộng để tăng cường đảm bảo hạ tầng. Cho nên vấn đề phải rà soát, phải kiểm đếm lại nhiều lần nên nó chậm”.

Thực hiện Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Bình Định, hơn 3.000 hộ dân thuộc diện bị ảnh hưởng, trong đó phải di dời, bố trí tái định cư cho gần 1000 hộ dân với tổng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư hơn 500 tỷ đồng.

Ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Đối với 60 km thực hiện bằng vốn trái phiếu Chính phủ thì địa phương sẽ sớm bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, sự chậm trể của 2 nhà thầu BOT làm ảnh hướng đến tiến độ mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A.

Lúc này, nhiều người dân ở tỉnh Bình Định đang nghi ngờ về năng lực của các nhà đầu tư BOT. Nếu cứ triển khai ì ạch như thế này thì mục tiêu đến cuối năm 2016 phải hoàn thành dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ khó thành hiện thực./.