Ngày 17/12, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi năm 2015”.

Đề án này được Bộ NN & PTNT triển khai từ cuối năm 2014 tại 3 tỉnh Nam Trung bộ: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Đến nay, 3 tỉnh này đã xây dựng các mô hình liên kết chuỗi giữa ngư dân, đầu nậu, doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu.

Tỉnh Bình Định có dự án “Chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật Bản để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ đại dương” với sự tham gia của 25 tàu cá và 120 ngư dân.

Tỉnh Phú Yên xây dựng mô hình chuỗi liên kết, khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ với sự tham gia của 8 tàu cá.

ca_ngu_rowv.jpg
Khai thác cá ngừ tại Việt Nam theo công nghệ Nhật Bản

Tỉnh Khánh Hòa xây dựng phương án “Thí điểm tổ chức sản xuất chuỗi giá trị cá ngừ đại dương đông lạnh” với 9 tàu con của ngư dân và 2 tàu mẹ do doanh nghiệp đầu tư chuẩn bị đi vào hoạt động.

Tuy nhiên so với hơn 3000 tàu khai thác cá ngừ tại 3 tỉnh này thì số mô hình chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua, chế biến tiêu thụ còn quá ít. Trong số này, một số mô hình hoạt động hiệu quả chưa cao, chưa xây dựng được chuỗi do nậu vựa làm nòng cốt. Việc nhân rộng các mô hình còn hạn chế vì sự hỗ trợ về kinh phí triển khai Đề án còn thiếu, chính sách về hỗ trợ tín dụng chưa được quan tâm triển khai.

Sắp tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung đầu tư các công trình hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng các chính sách hỗ trợ ngư dân tham gia mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, vận động doanh nghiệp, nậu vựa và ngư dân tham gia các chuỗi liên kết, hỗ trợ việc ứng dụng các công nghệ hiện đại trong khai thác, chế biến cá ngừ.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cân phải có chính sách riêng về khuyến khích liên kết chuỗi trong khai thác cá ngừ, khuyến khích những mô hình liên kết các doanh nghiệp liên kết với các chủ tàu./.