Vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay?
Xã hội hoá vaccine và điều trị Covid-19
TS. Huỳnh Thanh Điền – Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, thành phố đặt vấn đề mở cửa lại nền kinh tế trong bất kỳ bối cảnh nào, kể cả khống chế được dịch hay dịch bệnh vẫn bùng phát thì phải đặt điều kiện đơn giản cho doanh nghiệp; không nên thực hiện theo phương án “một cung đường, hai điểm đến” hay “3 tại chỗ”. Bởi qua thực tế đã chứng minh có doanh nghiệp làm được, nhưng nhiều doanh nghiệp không thể thực hiện phương án này đã làm cho chuỗi cung ứng hàng hoá bị gián đoạn. Vì vậy điều kiện đơn giản nhất để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất là tiêm vaccine đủ liều và thực hiện tốt nguyên tắc 5K.
Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khuyến khích địa phương, đơn vị chủ động mua vaccine phòng dịch Covid-19 là rất đúng đắn, bởi xã hội hoá là cách nhanh nhất để chúng ta có đủ nguồn cung vaccine. Song song với xã hội hoá vaccine thì chúng ta cũng cần tính tới xã hội hoá điều trị Covid-19 để doanh nghiệp chủ động hơn trong công tác tiêm chủng và điều trị. Tình hình hiện nay, khó có thể nói dập được dịch bệnh nên luôn đặt hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh. Bởi vậy, để sản xuất an toàn nên đưa các tổ y tế lưu động đến gần hơn với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khi cần thiết.
Vaccine được xem là vấn đề then chốt, bởi nếu không tiêm đủ hai liều thì khó có thể nói mở cửa lại nền kinh tế. Bởi vậy khi nguồn vaccine còn hạn chế thì nên ưu tiên cho doanh nghiệp và người lao động, có như vậy mới gỡ được “nút thắt” phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh.
“Thứ nhất là ưu tiên cho người lao động. Xét về địa phương thì ưu tiên cho tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm. Như miền Bắc thì ưu tiên cho các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, miền Nam là các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì ở đây có nhiều doanh nghiệp hoạt động. Ưu tiên không phải vì doanh nghiệp mà là vì sự phát triển chung của cả nền kinh tế” - TS. Huỳnh Thanh Điền phân tích.
Mở cửa lại kinh tế là tất yếu nhưng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, TP.HCM cần giải pháp tổng thể. Đó là một “cuộc tấn công” của ngành y tế trong đo lường sức khoẻ của từng người dân; xây dựng những khu cách ly, khu đặc trị nội bất xuất, ngoại bất nhập. Ngoài việc chính quyền tiếp tục giữ được tính kỷ luật và sức mạnh như hiện nay thì nhất thiết ý thức phòng chống dịch của người dân phải được nâng lên.
Cùng với các giải pháp về y tế, thì vấn đề sản xuất kinh doanh sẽ chỉ diễn ra ở khu vực thực sự xanh và an toàn. Ở đó, từ người bán hàng, người vận chuyển hàng hoá đến các chuỗi cung ứng, đầu vào đầu ra của sản phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ. Với doanh nghiệp để được hoạt động trong khu vực xanh cũng phải có thêm một giấy phép đặc biệt.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng: “Bất kỳ công ty nào, bất kỳ hộ kinh doanh nào cũng phải tạm gọi là được cấp giấy phép lần hai trong kinh doanh. Giấy phép này rất đặc biệt, cho phép công ty đó, ai được tham gia sản xuất, phạm vi sản xuất, sản phẩm sản xuất, giờ ngày sản xuất, địa chỉ được sản xuất, đóng gói bao bì và được giao hàng như thế nào”.
Ưu tiên những ngành nghề kinh tế nào?
Còn theo Thạc sĩ Hồ Minh Chính- chuyên gia quản trị bán hàng và dịch vụ khách hàng, trong bất kỳ bối cảnh nào thì TP.HCM nên thực hiện mở cửa lại có kiểm soát và ưu tiên khu vực trọng điểm ảnh hưởng đến giao thương kinh tế. Việc mở cửa mang tính cuốn chiếu thận trọng với từng phường, từng khu vực. Nếu yên ổn thì chúng ta mở tiếp, nếu không ổn thì dừng lại. Chúng ta phải dùng đến sổ sức khoẻ điện tử để kiểm soát người đã tiêm vaccine và người chưa tiêm. Tất cả các hoạt động đều phải duy trì 5K. Bên cạnh đó, TP.HCM cần đánh giá lại một số ngành nghề có vai trò quan trọng nhằm có chính sách phù hợp để vực dậy doanh nghiệp.
“Chính phủ và ngân hàng nhà nước có mức giảm thuế phù hợp để các doanh nghiệp đó vực dậy. Ngân hàng Nhà nước có giải pháp giảm lãi suất cho một số ngành nghề để vực dậy nền kinh tế và kích cầu như các ngành nghề thiết yếu, ngành nghề sản xuất, xây dựng…” - Thạc sĩ Hồ Minh Chính nói.
Trong tổ chức sản xuất khi mở cửa lại nền kinh tế, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển thì TP.HCM nên tổ chức lại khâu phân phối hàng hoá. Bởi hệ thống siêu thị vẫn không đáp ứng được khả năng kết nối các hoạt động giao thương, dịch vụ mang tính đặc thù của thành phố. Chúng ta có cách thức để lực lượng logicstic hoạt động trở lại và phải đặt họ vào vị trí thiết yếu mang tính chuyên nghiệp; tập huấn để họ đảm bảo chứng nhận 5K thực sự cho hệ thống logicstic. Nếu có lực lượng này thì sẽ không lo đứt gãy hệ thống phân phối.
Với những ngành nghề ưu tiên, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, TP.HCM cần tập trung ưu tiên cho nhóm doanh nghiệp FDI và xuất khẩu: “Chúng ta biết là những đơn hàng quan trọng trọng, bởi vì chúng ta không thể giải thích cho chủ mua hàng là chúng tôi đang bị dịch bệnh không thể cung cấp. Tất nhiên có thể họ không phạt chúng ta nhưng họ sẽ đi mua hàng chỗ khác. Khi đó thì sẽ tạo nên các logicstic chỗ khác. Như ngành may mặc hay thuỷ sản, họ đã mua hàng Thái Lan, Bangladesh... rất khó quay lại các công ty của chúng ta. Cho nên những lĩnh vực như vậy chúng ta phải ưu tiên”.
Một vấn đề cũng được các chuyên gia kinh tế đặt ra, là mở cửa lại kinh tế của TP.HCM luôn cần sự kết nối với các địa phương lân cận như: Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Cho nên bất kỳ chính sách nào về mở lại nền kinh tế của TP.HCM trong thời điểm hiện nay cần có sự bảo đảm đồng bộ trong kết nối vùng, như vậy mới vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch./.