Sáng nay (24/12), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Họp báo để thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2020 và định hướng nhiệm vụ năm 2021.
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2020 là năm mà ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện trọn vẹn cả 5 năm điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đạt mục tiêu đề ra như ổn định giá trị đồng tiền, ổn định tỷ giá, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người dân. Quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, lãi suất tiếp tục được ổn định theo chiều hướng tích cực.
Đặc biệt, trong năm 2020, lãi suất NHNN điều chỉnh nhiều lần, chưa có nước nào, đặc biệt trong khu vực trong đợt vừa qua điều chỉnh lãi suất hạ thấp như Việt Nam. Từ điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN tạo điều kiện cho NHTM giảm lãi suất một cách tích cực, giảm 1-1,5%/năm so với mặt bằng đầu năm, tạo điều kiện ổn định giá trị đồng tiền, giảm được lãi suất đầu vào có điều kiện giảm lãi suất đầu ra.
Về điều hành lãi suất: Tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 03 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5-2,0%/năm lãi suất điều hành (là một trong các ngân hàng trung ương (NHTW) có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực); giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời chỉ đạo các TCTD tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
Về điều hành tỷ giá: NHNN điều hành, công bố tỷ giá trung tâm linh hoạt hàng ngày phù hợp diễn biến thị trường, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT. Tỷ giá USD/VND diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và biến động của USD trên thị trường thế giới.
Về điều hành tín dụng: NHNN chủ động điều hành hợp lý tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với mức độ mức hấp thụ của nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, lĩnh vực ưu tiên, theo chủ trương của Chính phủ, góp phần quan trọng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế sau dịch. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Các TCTD đã triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên tín dụng tăng thấp hơn các năm trước. Đến 21/12/2020, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019, tăng 11,62% so cùng kỳ 2019./.