Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trình bày trước Quốc hội chiều 23/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có một số ý kiến đề nghị bỏ bảng xác định, phân loại DNNVV tại Điều 4 để bảo đảm kỹ thuật lập pháp.

hop_qh_fvpc.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án  Luật hỗ trợ DNNVV

Về tiêu chí xác định DNNVV, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm tiêu chí doanh thu, cân nhắc doanh thu từ 200-300 tỷ đồng, giảm quy mô số lao động từ 300 người xuống 200 người, thay tiêu chí số lao động bình quân bằng tiêu chí số lao động tham gia bảo hiểm xã hội và nên chọn 2 trong 3 tiêu chí. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định để tránh trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn 200 lao động nhưng chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho 200 lao động và vẫn được hưởng hỗ trợ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bỏ bảng xác định, phân loại DNNVV; bổ sung tiêu chí doanh thu và áp dụng đồng thời tiêu chí về lao động và tiêu chí về tài chính (doanh thu hoặc tổng nguồn vốn); chỉnh sửa theo hướng quy định tiêu chí trần để xác định DNNVV. Việc quy định số lao động 200 người cũng được tham khảo theo tiêu chí hướng dẫn của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc UNDP.

Việc bổ sung tiêu chí lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) không chỉ thu hẹp đối tượng mà còn thể hiện đúng nguyên tắc Nhà nước chỉ hỗ trợ DNNVV tuân thủ các quy định pháp luật, góp phần để DNNVV tuân thủ pháp luật về BHXH.

Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV đưa ra các quy định khuyến khích sự tham gia của tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước trong hỗ trợ doanh nghiệp (Ảnh minh họa: Báo Đấu thầu)

Về hỗ trợ tiếp cận tín dụng, một số ý kiến cho rằng cần có cơ chế mạnh hơn để DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng vì nội dung dự thảo Luật còn chung chung, chưa khuyến khích được các tổ chức tín dụng cho vay vốn, khó khả thi trong thực tế. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo Luật đã tiếp thu bỏ các quy định mang tính áp đặt, can thiệp trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, không phù hợp nguyên tắc thị trường. Để từng bước hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, dự thảo Luật đã bổ sung giao trách nhiệm cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng hệ thống thông tin phục vụ xếp hạng tín nhiệm DNNVV.

Trong chiều 23/5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ DNNVV.

Tiêu chí lao động xác định DNNVV, theo UNDP, Nam Phi, Úc là không quá 200 lao động, theo WB là không quá 300, thành viên Liên minh Châu Âu (EU) và Mexico, Nhật Bản là 250, Mỹ và Canada là không quá 500 người./.