Thủ tướng mới đây đã yêu cầu áp chuẩn nguyên tắc thị trường, cắt giảm các điều kiện kinh doanh hạn chế cạnh tranh, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp khổ vì giấy phép con (Ảnh minh họa: KT) |
Tín hiệu đáng mừng
Theo Chinhphu.vn, việc bãi bỏ các điều kiện hạn chế cạnh tranh được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và giao cho các bộ, ngành liên quan thực hiện.
Thủ tướng cho rằng giấy phép kinh doanh rất nhiều, và đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Chi phí cấp giấy phép con với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chưa có nhiều bằng chứng cho thấy đã giảm.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - VCCI) cho biết, Thủ tướng đang rốt ráo và Chính phủ sẽ có những hành động thực chất để xóa bỏ những rào cản đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Ông Tuấn cũng hy vọng các bộ, ngành liên quan sẽ đốc thúc thực hiện công việc này theo đúng tinh thần của Thủ tướng.
Một tín hiệu khác đáng mừng là mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất bãi bỏ toàn bộ Nghị định số 104/2007 về ngành nghề kinh doanh đòi nợ. Nếu đề xuất này được đồng ý, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ không còn phải đáp ứng hàng loạt điều kiện như vốn tối thiểu 2 tỷ đồng, người quản lý phải có trình độ học vấn từ đại học, trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh…Thủ tướng yêu cầu loại bỏ giấy phép con không phù hợp
Các bộ trưởng cần vào cuộc
Chia sẻ trên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thừa nhận, không dễ để thực hiện được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp. “Lúc này cần các bộ trưởng vào cuộc”, ông Cung nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) |
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ nghiên cứu các kết quả rà soát điều kiện kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI để cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý, không cần thiết. Hơn thế, Thủ tướng yêu cầu phải căn cứ vào các tiêu chí của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) làm cơ sở cho việc rà soát điều kiện kinh doanh lần này.
Như vậy, theo TS. Nguyễn Đình Cung, sẽ có sự thay đổi toàn diện về tư duy trong quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, chứ không chỉ là xử lý theo từng văn bản, vụ việc như thời gian qua đã làm.
Ông Cung cho rằng, cần sự vào cuộc của các bộ trưởng để thúc đẩy bộ máy công chức của các bộ. Sẽ cần sự thay đổi về năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước khi chuyển cơ chế từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển từ quản lý toàn bộ sang kiểm soát dựa trên mức độ rủi ro và mức độ tuân thủ của doanh nghiệp...
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, việc rà soát, cắt bỏ điều kiện kinh doanh như đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là để làm cho thị trường hàng hóa và dịch vụ trở nên cạnh tranh hơn; hoạt động kinh doanh tự do hơn, an toàn hơn, ít rủi ro hơn, chi phí thấp hơn; qua đó, nâng cao hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân bố, hiệu quả năng động của nền kinh tế; và chắc chắn sẽ góp phần đáng kể cải thiện tốc độ và chất lượng tăng trưởng trong những năm sắp tới.
Với các điều kiện kinh doanh như hiện nay, các doanh nghiệp không thể đổi mới, sáng tạo để có cách làm khác, không thể tạo ra các sản phẩm, dịch vụ khác so với quy định của pháp luật; tạo ra rủi ro lớn, thậm chí rủi ro thể chế rất cao cho những doanh nghiệp muốn đổi mới, sáng tạo, có cách nghĩ, cách làm khác so với quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh, ông Cung lưu ý.