"ThăngLong-Wind" là dự án điện gió có công suất lớn nhất hiện nay được Bộ Công Thương chấp thuận thực hiện khảo sát, nghiên cứu để tiến tới đầu tư xây dựng tại Việt Nam. Dự án này vốn được biết đến với tên “điện gió Kê Gà” - một dự án điện gió ngoài khơi có công suất thiết kế lên tới 3.400MW, với tổng số vốn lên đến 11,9 tỷ USD.

Theo các tính toán của chuyên gia, nếu dự án có thể đảm bảo mốc tiến độ theo  Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế giá ưu đãi 9,8 cent/kWh đối với các dự án điện gió xa bờ (đối với dự án hoàn thành trước thời điểm tháng 11/2021) thì khả năng sẽ có hiệu quả kinh tế. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của nhà đầu tư là sớm được cơ quan chức năng thẩm định, bổ sung dự án vào Quy hoạch Điện lực Quốc gia, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

gio_cund_tefr.jpg
Điện gió sẽ là một thế mạnh của Việt Nam.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, nếu sớm được triển khai, năm 2023 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của dự án, đóng góp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 600MW, điện lượng có thể sản xuất lên tới 4 tỷ kWh/năm. Khi hoàn thành dự kiến vào năm 2027, toàn bộ dự án với tổng công suất 3.400 MW có thể đóng góp lên tới 20 tỷ kWh điện mỗi năm.

“Hiệu quả của điện gió ngoài khơi gấp rất nhiều lần so với điện mặt trời, có thể phát điện 24/24h chứ không phải chỉ phát ban ngày, ban đêm không phát. Mà Việt Nam là đất nước có bờ biển dài trên 3.200 cây số, nếu chúng ta khai thác được nhiều dự án điện gió ngoài khơi như ThangLong-Wind thì có thể tạo ra hàng trăm tỷ kWh mỗi năm. Do vậy, nên nghiên cứu phát triển điện gió ngoài khơi trở thành mũi nhọn, trở thành nòng cốt để thay thế dần cho các năng lượng hóa thạch như điện than, điện khí…” - ông Trần Viết Ngãi nói.

Việt Nam có tiềm năng gió lớn với tổng công suất gió ước tính đạt khoảng 513.360 MW, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam mới đưa vào một số dự án điện gió với tổng công suất hơn 300 MW, còn chậm so với mức 800 MW vào năm 2020 theo thiết kế tại Quy hoạch Điện VIIđiều chỉnh. Hơn thế, với vị trí của dự án ở Bình Thuận, Dự án điện gió Thanglong-Wind nếu được triển khai thành công ngoài việc sẽ cung cấp một lượng điện năng sạch rất lớn cho hệ thống điện Việt Nam, góp phần bù đắp được lượng năng lượng thiếu hụt của Việt Nam, đặc biệt tại khu vực phía Nam.

Theo ông Hà Lê Thành Chung, Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận cho rằng, việc đầu tư các dự án điện gió là phù hợp với định hướng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch và phù hợp với mục tiêu đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của đất nước./.