Trong bối cảnh thị trường xăng dầu có nhiều biến động, khó lường và dị thường chưa từng có như hiện nay, công tác điều hành của liên Bộ là vô cùng quan trọng bởi có sự tác động đến toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Để thấy rõ hơn bức tranh toàn cảnh về thị trường xăng dầu, phóng viên VOV.VN trao đổi với Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) về vấn đề này.
PV: Qua nhiều năm theo dõi thị trường xăng dầu, ông có nhận xét gì về biến động của mặt hàng này, đặc biệt là trong thời gian gần đây?
PGS. TS. Ngô Trí Long: Thị trường xăng dầu rất nhạy cảm và phức tạp do rất nhiều yếu tố tác động nên liên tục biến động. Ngoài yếu tố về nhu cầu thị trường, tỷ giá đồng USD còn có tác động của những xung đột địa chính trị. Trong khi thị trường xăng dầu trong nước vẫn còn phụ thuộc một tỷ lệ nhất định vào thị trường thế giới, nên khi giá thế giới “chao đảo” sẽ tác động không ngừng tới thị trường trong nước. Gần đây nhất là trong tháng 10/2020, lần đầu tiên giá xăng dầu thế giới giảm sâu về mức (-) âm và lịch sử chưa bao giờ có như vậy.
PV: Việc thiếu xăng dầu cục bộ trong nước như thời gian vừa qua cũng được xem là một hiện tượng ít thấy, vậy theo ông đâu là nguyên nhân cốt lõi?
PGS. TS. Ngô Trí Long: Hiện tượng này do rất nhiều nguyên nhân. Trước hết là từ đầu năm 2022, nguồn cung giảm do bất ổn của yếu tố chính trị, đặc biệt là do cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine; việc duy trì sản xuất và khai thác của các nước OPEC cũng không ổn định. Nhu cầu hồi phục kinh tế cũng dẫn tới giá dầu thô tăng cao, như hiện nay giá dầu tăng khoảng 60-80% so với thời điểm cuối năm 2021. Trong khi đó, từ đầu năm 2022 tới nay nguồn cung trong nước cũng gặp khó khăn khi sản lượng của các nhà máy sụt giảm.
Một nguyên nhân khác là trong Quý II/2022 - khi giá xăng dầu thế giới tăng đạt mức cao nhất, để đề phòng giá tiếp tục tăng các DN đầu mối đã nhập khẩu nhiều xăng dầu về dự trữ, nhưng trên thực tế đến quý III giá lại giảm sâu. Khi DN mua giá cao nhưng phải bán giá thấp đương nhiên sẽ ảnh hưởng xấu tới hoạt đông kinh doanh, khiến các DN đầu mối thua lỗ, ảnh hưởng tới khả năng tài chính càng khiến các DN có tâm lý nhập khẩu cầm chừng khiến cho nguồn cung xăng dầu thêm khó khăn.
Ngoài ra, nút thắt quan trọng khiến cho thị trường xăng dầu thiếu cục bộ là do tính toán chi phí kinh doanh và chi phí premium không đủ trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu. (Định mức chi phí kinh doanh này tính từ năm 2014, trước kia là 850 đồng/lít, sau 2014 điều chỉnh lên 1.050 đồng/lít). Nhưng thực tế hiện nay, các chi phí này không đủ bù đắp chi phí kinh doanh cho các DN đầu mối dẫn tới việc nhập khẩu ít, chiết khấu từ đầu mối phân phối cho đại lý bán lẻ có lúc bằng 0 đồng.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng nên rút ngắn hơn chu kỳ điều hành giá để đảm bảo cho giá xăng dầu trong nước cùng nhịp với giá thế giới. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS. TS. Ngô Trí Long: Trong quá trình hội nhập, giá xăng dầu tại Việt Nam cũng phải hòa đồng với giá thế giới. Xăng dầu là mặt hàng luôn biến động giá nên chu kỳ điều chỉnh giá nếu được rút xuống càng ngắn càng tốt. Với chu kỳ điều chỉnh dài như hiện nay giá xăng dầu vẫn có sự “lệch pha”, khi giá xăng dầu trong nước vẫn tính theo giá bình quân của 10 ngày nhiều khi lỗi nhịp với giá thế giới.
Cũng cần nói thêm, hiện Nhà nước vẫn định giá bán lẻ xăng dầu, nên chỉ khi thị trường có sự cạnh tranh thực sự và giá xăng dầu do thị trường quyết định mới có diễn biến giá theo từng ngày, từng giờ. Đặc biệt với thị trường xăng dầu trong nước hiện nay, muốn thay đổi giá theo từng ngày, từng giờ sẽ là rất khó bởi đòi hỏi nguồn lực rất lớn.
PV: Ông có đánh giá gì về công tác điều hành cũng như sự phối hợp giữa liên Bộ khi xử lý những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian vừa qua?
PGS. TS. Ngô Trí Long:Từ khi được giao quản lý và điều hành thị trường xăng dầu, liên Bộ về cơ bản đã có những biện pháp điều hành linh hoạt, nhịp nhàng phù hợp theo diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, khó lường và dị thường chưa từng có như hiện nay, công tác điều hành của liên Bộ cũng gặp nhiều khó khăn, mặc dù những diễn biến thời gian gần đây nằm ngoài yếu tố chủ quan của cơ quan điều hành.
Tuy nhiên khách quan có thể thấy, sự phối hợp của liên Bộ Công Thương – Tài chính thời gian qua vẫn còn “lỏng lẻo”, chưa thật sự quyết liệt. Trong điều hành xăng dầu, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính nhưng trong đó từng Bộ, ngành chịu trách nhiệm những nội dung mà mình quản lý. Liên quan đến thuế, premium thì đâu phải Bộ Công Thương, nếu 2 bộ cùng họp bàn, thống nhất làm văn bản gửi Thủ tướng để sớm hỗ trợ DN thì sẽ có sức nặng hơn và không để xảy ra tình trạng như vừa rồi.
Có ý kiến cho rằng, do sợ mất ổn định kinh tế vĩ mô tác động đến lạm phát, nên trong cách tính toán chi phí cũng như định mức premium cho các DN còn chưa linh hoạt và nhạy bén. Trên thực tế, mặc dù Bộ Công Thương đã 4 lần đề nghị Bộ Tài chính xử lý vấn đề này nhưng phối hợp chậm, để đến khi tình hình bùng lên quá căng Bộ Tài chính mới đồng ý tăng chi phí vận chuyển xăng dầu, định mức premium cho các DN.
Cho nên cần lưu ý và rút kinh nghiệm, trong công tác điều hành, nếu chỉ chú ý đến lợi ích của Nhà nước và người tiêu dùng đảm bảo mục tiêu kinh tế vĩ mô, tránh biến động các yếu tố làm ảnh hưởng đến chỉ số giá và lạm phát cũng sẽ tạo ra sự bất lợi đối với các DN.
PV: Vậy theo ông, tới đây cần có những giải pháp cụ thể nào để ổn định thị trường xăng dầu, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên?
PGS. TS. Ngô Trí Long:An ninh năng lượng vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia, nếu không đảm bảo được sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Để bình ổn thị trường và giá xăng dầu sẽ đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan, Bộ, ngành, DN và cả người dân.
Trong đó, cơ quan điều hành cần tiếp tục phối hợp theo dõi sát sao diễn biến thị trường để chủ động điều hành một cách thận trọng, linh hoạt nhưng mềm dẻo. Trong đó, cần phải thường xuyên liên tục theo dõi, nắm sát được hoạt động của các DN kinh doanh xăng dầu, không để khi xảy ra vụ việc, sự cố mới tiến hành thanh kiểm tra và áp dụng các chế tài xử phạt.
Điều đặc biệt quan trọng là cơ quan điều hành phải dự báo được diễn biến của thị trường xăng dầu trong nước và thế giới để có phương thức điều hành phù hợp, tính toán chi phí hợp lý cho các DN, đề xuất giảm những sắc thuế khi cần thiết nhằm đảm bảo cho bình ổn thị trường.
Đối với các DN kinh doanh xăng dầu cần tuân thủ đúng theo quy định của Nhà nước trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Các DN muốn có lãi cần phải dựa vào yếu tố giá nhưng nếu không dự báo được mức giá chính xác sẽ rất nguy hiểm. DN cần nghiên cứu sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro về giá như công cụ bảo hiểm giá xăng dầu, kết hợp với khả năng phát đoán chuẩn xác tránh bị thua lỗ. Nếu để DN sử dụng công cụ bảo hiểm giá, Nhà nước cũng phải có chế tài quy định rõ ràng.
Đối với người tiêu dùng cần nhìn nhận khách quan, chính xác trước những thông tin về thị trường xăng dầu. Trong đó, tận dụng những thời điểm giá xăng dầu giảm để sử dụng hiệu quả cho nhu cầu, đồng thời thông cảm và chia sẻ lợi ích với nhà nước và các DN những khi giá xăng dầu thế giới và trong nước tăng cao.
PV: Xin cảm ơn ông!./.