Từ ngày 6/8/2022, Hà Nội thí điểm phân làn trên đường Nguyễn Trãi theo hướng thí điểm lắp đặt 748m dải phân cách cứng tách riêng làn ô tô và xe máy. Cụ thể, 2 làn sát vỉa hè sẽ cho phép xe máy, xe thô sơ và xe buýt hoạt động, làn 3 và làn 4 dành cho ô tô. Việc phân làn được thực hiện bằng dải phân cách cứng kết hợp điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn kẻ.

Theo Sở Giao thông Hà Nội, đường Nguyễn Trãi có mật độ ô tô, xe máy đông đúc, nhiều chỗ giao cắt dẫn đến thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Việc phân làn nhằm mục đích giảm ùn tắc và góp phần tạo thói quen đi đúng làn thay vì các phương tiện phải lưu thông hỗn hợp.

Đầu tháng 9, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề nghị UBND TP Hà Nội chấp thuận cho tiếp tục triển khai thí điểm phương án trong thời gian 3 tháng (từ ngày 6/9 đến ngày 31/12) với lý do cần có thêm thời gian để đánh giá chính xác hơn nữa, nhất là trong thời gian học sinh, sinh viên đi học trở lại và thời điểm lưu lượng phương tiện gia tăng vào thời điểm cuối năm 2022.

Cũng theo báo cáo của Sở, trong 10 ngày đầu thí điểm đã xảy ra 54 sự cố va quệt vào biển báo, lốp phản quang, trụ đảo mũi tên…Sau thời gian này, người tham gia giao thông đã quen với phương án nên rất ít xảy ra sự cố va quệt vào dải phân cách cứng.

Theo quan sát của phóng viên VOV.VN thường xuyên tham gia giao thông trên cung đường này trong thời gian qua có thể thấy rằng, tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt là ở cầu vượt Ngã Tư Sở. Sau giờ cao điểm thì cũng như trước khi phân làn, mật độ giao thông giảm hơn thì việc ùn tắc giảm, nhưng tình trạng tham gia giao thông lộn xộn của người dân vẫn chưa được cải thiện. Đặc biệt tình trạng xe va chạm nhẹ ở các điểm chia tách làn xảy ra nhiều hơn trước.

Chị Thu Hương, ở chung cư 57 Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, tình trạng ô tô đi chiếm hết làn đường xe máy như trước kia có giảm nhưng vẫn xảy ra. Còn xe máy thì tràn vào đường ô tô là thường xuyên, bởi do ý thức của người tham gia thông và cũng là do đường Nguyễn Trãi quá nhiều ngõ rẽ nên mọi người phải hòa làn để sang đường rẽ vào các ngõ. “Bản thân tôi thì thấy cũng có nhiều bất tiện, vì đường đông, nhiều chỗ quay đầu nên nhiều khi mọi người quay đầu quá gấp, không để ý là dễ xảy ra va chạm hoặc lại tạo ra sự ùn ứ. Tôi cũng muốn đi đúng làn như nhiều khi vì gấp, xe lại đông nên muốn rẽ sang làn xe máy cũng không được”.

Khoảng cách giữa các nút giao đủ dài thì phân làn mới ý nghĩa

TS Khương Kim Tạo, nguyên phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, về mặt lý thuyết, khoảng cách giữa các nút giao đủ dài thì phân làn mới ý nghĩa, còn khoảng cách ngắn chỉ gây khó khăn cho giao thông, đồng nghĩa với việc ùn tắc tăng lên. Một người đang đi làn giữa là ô tô, muốn rẽ sang phải vào các ngõ thì phải cắt qua làn xe máy. Như thế thời gian trộn dòng cắt sang làn xe máy mất khoảng 50-100m mới tách làn, lách qua được. Tương tự muốn rẽ sang trái cũng vậy, mất khoảng 50-100m mới sang được, thậm chí xe đang đi nhanh thì mất khoảng 150m mới sang được làn. Như vậy khoảng cách giữa các xe muốn trộn dòng sang trái, phải mất 50-150m, nhưng nếu 300m đã có một nút giao thì phân làn không có ý nghĩa gì vì chưa trộn xong đã tách, chưa tách xong đã trộn.

“Như thế sẽ tạo ra sự đi lại hỗn loạn. Thà rằng cứ để xe ô tô xe máy chạy cùng nhau thì còn đỡ, đây phân làn thì xe phải cắt qua đầu xe khác để rẽ thì khả năng gây tai nạn nhiều hơn. Đã có nghiên cứu ở nước ngoài cho biết, thông thường nếu cắt đầu nhau thì mức độ giao thông sẽ tăng khoảng 4 lần với xe chạy nối đuôi với nhau. Về lý thuyết đã không ổn thì thực tiễn chắc chắn khó hiệu quả” - TS Khương Kim Tạo nói.

Theo TS Khương Kim Tạo, TP.HCM thực hiện phân làn nhưng là ở một số đại lộ dài 3-4 km. Họ có 2 dòng xe một chiều và ô tô chỉ được chạy gần giải phân cách, còn sang bên phải chỉ khi có việc khẩn cấp, còn không có việc mà rẽ sang sẽ bị phạt. Họ cũng phân bằng vạch sơn chứ không phân vách cứng. Phân vách cứng đi lại khó, cản trở giao thông.

TS Khương Kim Tạo cũng cho rằng, việc Hà Nội tiếp tục triển khai thí điểm phương ánđến hết năm nay cũng là cần thiết, bởi khi đó có thêm thời gian để đánh giá cụ thể hơn về phương án phân làn. “Một dự án không thành công cũng là cần thiết để có bài học cho các dự án khác khi nghiên cứu và đưa vào thí điểm. Đường Nguyễn Trãi dài nhưng rất nhiều ngõ, ngách ngang. Người đi ô tô phải cho họ rẽ về nhà ở các ngách ngang, còn nếu không cho họ rẽ thì họ phải chạy thêm một đoạn đường mới vòng lại, vô hình chung bắt ô tô chạy một quãng được dài hơn. Mà khi phương tiện tham gia giao thông càng nhiều trên đường thì ùn tắc càng tăng. Sự xuất hiện của phương tiện càng ngắn thì càng tốt, càng giảm ùn tắc” - TS Khương Kim Tạo nhận định./.