Lễ hội cam Cao Phong lần thứ hai và Hội chợ Nông nghiệp - Du lịch - Thương mại vùng Tây Bắc năm 2016 diễn ra từ ngày 13-20/11 tại tỉnh Hòa Bình đang thu hút hàng nghìn người đến tham quan, thưởng thức và mua sắm.

Sự kiện này nhằm quảng bá thương hiệu cam Cao Phong nói riêng và các nông sản chủ lực của vùng Tây Bắc nói chung, qua đó góp phần gìn giữ và phát huy đặc sản của vùng, tạo cơ hội xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư. 

ccp2_ghfj.jpg
Ban Tổ chức Lễ hội trao Giấy chứng nhận cho các hộ sản xuất theo quy trình VietGAP 123.
Lễ hội cam Cao Phong có quy mô 300 gian hàng, trưng bày và bán sản phẩm cam quýt, bưởi các loại; gian hàng du lịch, thương mại tổng hợp và gian hàng ẩm thực truyền thống các tỉnh vùng Tây Bắc...Trong đó, các loại cam Cao Phong như cam lòng vàng, cam Đường Canh, Cam Xã Đoài, bưởi đỏ, bưởi da xanh…được bày bán ở gần 100 gian hang, thu hút rất đông người tham quan, thưởng thức và mua sắm.

Tại hội chợ, giá bán các loại cam, quýt, bưởi đặc sản của Hòa Bình giao động từ 35.000 – 60.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Đình Bang, một trong những chủ vườn cam ở Cao Phong có gian hàng bán sản phẩm tại lễ hội chia sẻ, năm nay, gia đình ông trồng khoảng 3 ha cam, doanh thu ước đạt gần 1 tỷ đồng.

“Tại phiên chợ như hôm nay, dự kiến mỗi gian hàng cũng đưa ra thị trường trên 1 tấn cam. Người trồng cam mong muốn nhà nước quan tâm hơn nữa đến chuỗi sản phẩm. Khi có nguồn cam sạch, đảm bảo chất lượng cần có đầu ra ổn định, khi đó người dân mới yên tâm sản xuất, sản phẩm càng có chất lượng hơn”, ông Bang cho biết.

Năm nay, toàn huyện Cao Phong có khoảng 2.000 ha trồng cây có múi như cam, quýt, bưởi với sản lượng khoảng 23.000 tấn. Bình quân mỗi ha cho sản lượng khoảng 30 tấn cam, mang đến thu nhập cho người dân từ 600-800 triệu đồng.

Ông Quách Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết, năm nay toàn huyện có 120 ha trồng theo quy trình Vietgap. Phát triển nông nghiệp chất lượng cao đã trở thành hướng đi đúng đắn của địa phương trong phát triển kinh tế xã hội.

Lễ hội cam Cao Phong được tổ chức hàng năm và ngày càng thu hút người dân và doanh nghiệp quan tâm. Đây cũng là niềm vui của người sản xuất khi có cơ hội quảng bá thương hiệu cam Cao Phong nói riêng và các nông sản chủ lực của các tỉnh Tây Bắc nói chung. Qua đó, không chỉ góp phần gìn giữ và phát triển đặc sản của vùng, mà còn tạo cơ hội xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, tạo đầu ra vững chắc cho nông sản của địa phương.

“Đầu ra cho sản phẩm là vấn đề mà lãnh đạo tỉnh và huyện rất quan tâm. Hiện có nhiều doanh nghiệp ở Hòa Bình và các tỉnh lân cận ký kết giao thương tiêu thụ hàng hóa. Tới đây huyện sẽ tiếp tục xây dựng chợ nông sản Cao Phong. Các sản phẩm vào đây đều phải có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, coi đó là ưu tiên số một để giữ được thương hiệu cam Cao Phong những năm tiếp theo”, ông Ngoan cho biết.

Theo Ban tổ chức, ngay trong ngày đầu tiên của Lễ hội, đã có hơn 100 tấn cam Cao Phong được bán ra thị trường. Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 2 và Hội chợ Nông nghiệp - Du lịch - Thương mại vùng Tây Bắc sẽ diễn ra trong 1 tuần, đây là một trong các hoạt động kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hòa Bình.

Dịp này cũng diễn ra các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, trao giấy chứng nhận sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap cho các hộ sản xuất cam, tham quan mô hình sản xuất tiêu biểu. Các hoạt động liên kết, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm./.