Nhận thức mơ hồ về CMCN 4.0

Nhận thức của “những người trong cuộc” ở làng nghề về tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang cho thấy những gam màu trái ngược.

Theo chia sẻ của ông Trần Dương Quý, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ trực tuyến BATO (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội), gần đây người làm gốm Bát Tràng bắt đầu chú ý hơn đến bán hàng trực tuyến, nhất là trên facebook. Nhưng số cơ sở sản xuất đầu tư bài bản cho marketing trực tuyến thì chưa nhiều.

vov_tran_duong_quy_caat.jpg
Ông Trần Dương Quý, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ trực tuyến BATO (Ảnh: Hồng Quang)
"Hiện nay, ngoài sử dụng hệ thống phần mềm quản trị khách hàng và hệ thống chatbot chăm sóc khách hàng tự động, chúng tôi đang nghiên cứu phương án áp dụng marketing 4.0 (ứng dụng công nghệ thực tế ảo) vào kinh doanh gốm sứ", ông Trần Dương Quý cho biết.
Theo Giám đốc Công ty BATO, áp dụng công nghệ tương tác ảo vào bán hàng là việc rất đáng làm, nhất là kinh doanh gốm sứ Bát Tràng cao cấp, bởi công nghệ này giúp khách hàng có những trải nghiệm thú vị, cho phép họ có thể ngồi tại nhà hay văn phòng để lựa chọn 1 lọ hoa có màu sắc, kích cỡ phù hợp với chiếc kệ ti-vi tại gia đình.

Tuy nhiên, không phải “thợ làng” nào cũng nhanh nhạy ứng dụng công nghệ như anh Quý - người có hơn 10 năm làm kỹ sư công nghệ thông tin. Tại một số làng nghề khác, việc tìm hiểu và nhận thức về CMCN 4.0 còn rất mơ hồ.

Nghệ nhân Đỗ Văn Hiển, Làng lụa Vạn Phúc (Ảnh: Hồng Quang)
Khi được hỏi về CMCN 4.0, ông Đỗ Văn Hiển - một nghệ nhân khá rành rọt về máy móc thiết bị dệt ở làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội) - trải lòng: “Tôi cũng mới nghe về CMCN 4.0. So với 4.0 thì thiết bị công nghệ và quy trình sản xuất lụa Vạn Phúc chưa được chấm nào, bởi còn rất thủ công. Dây chuyền sản xuất lụa Vạn Phúc còn quá lạc hậu so với công nghệ hiện nay.”

Cách đây 40 - 50 năm, công nghệ dệt đã cho phép máy dệt tự động dừng nếu 1 sợi dọc hay sợi ngang bị đứt, còn với máy dệt ở Vạn Phúc đến nay người thợ vẫn phải đứng canh để cho máy dừng hoạt động nếu sợi bị đứt. “Do đó, con đường đến với CMCN 4.0 vẫn còn xa”, ông Hiển trăn trở.

Còn theo ông Trần Văn Vực ở làng nghề đan cỏ tế, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), chưa biết công nghệ 4.0 hữu hiệu ra sao, nhưng đến nay chẳng có công nghệ nào giúp chẻ cỏ tế được. 400 năm qua người trong làng đều chẻ cỏ tế bằng tay và dao.

Ông Vực cho hay, nhiều ý tưởng áp dụng máy móc vào chẻ cỏ tế đã thất bại. Loại cỏ này có đường kính chỉ 2 - 3mm, thân mềm và dai, nên không dễ chẻ bằng máy như tre và mây.

Thực tế trên cũng dễ hiểu bởi nếp nghĩ, cách làm và thói quen của người lao động và người sử dụng lao động trong làng nghề đã ràng buộc họ bao đời nay. Nhất là làng nghề lại chưa trải qua đầy đủ các cuộc CMCN trước đó (2.0, 3.0), nên chưa thể có bề dày tích lũy về trình độ sản xuất, công nghệ và trình độ lao động.

Yếu cả quy mô sản xuất và trình độ công nghệ

Đến làng nghề, không khó để bắt gặp những “thợ làng” đang loay hoay lên phôi cho từng chiếc bát, chiếc bình gốm có hình dáng đơn giản; hay đang miệt mài dệt lụa bằng tay; vót từng nan tre…những công đoạn mà lẽ ra phải được cơ giới hóa để giải phóng sức lao động.

Trong ảnh: Máy dệt được sử dụng tại làng lụa Vạn Phúc (Ảnh: Hồng Quang)

Nếu nhìn lại quá trình phát triển, làng nghề có bề dày lịch sử, trải dài cùng với sự phát triển của đất nước. Có làng đã hình thành từ cả nghìn năm nay, làng trẻ hơn thì cũng vài trăm tuổi. Tuy nhiên, quy mô và trình độ sản xuất của nhiều làng nghề vẫn đì đẹt.

Ngay cả Hà Nội, dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhưng công tác phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn thành phố vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Hà Nội có 1350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 25% tổng số làng nghề cả nước, trong đó đã những làng nghề thành công trong phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch. Nhưng, bức tranh chung về quy mô các làng nghề Thủ đô vẫn là nhỏ lẻ, tự phát.

Theo ông Đàm Tiến Thắng, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, quy mô nhỏ lẻ của làng nghề là do hạn chế về diện tích mặt bằng sản xuất. Làng nghề thường nằm trong khu vực đông dân cư, nên rất khó để mở rộng sản xuất.

Hơn nữa, tích lũy tư bản, vốn còn thấp cũng là nguyên nhân khiến các làng nghề khó có điều kiện mở rộng sản xuất, ông Thắng nêu.

TS. Nguyễn Vi Khải, Phó Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển (Ảnh: Hồng Quang)
Ở bình diện rộng hơn, TS. Nguyễn Vi Khải, Phó Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển và Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đánh giá, đến 99% số làng nghề hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, theo kiểu cha truyền con nối, với số lao động bình quân từ 10 -15 người/cơ sở sản xuất. “Số cơ sở sản xuất hiện đại, quy mô lớn rất ít, đếm trên đầu ngón tay,” ông Khải nói.

Không chỉ hạn chế về quy mô, mà mức độ tiếp cận công nghệ của làng nghề cũng là bài toán đau đầu. “Trong khi thế giới đang hướng đến công nghệ 4.0, thì mặt bằng công nghệ của ta chỉ ở 1.5 hoặc 2.0, thậm chí có cách ví von khôi hài rằng ta đang ở trình độ phát triển 0.4,” ông Khải nói.

Phân tích sâu về góc độ này, PGS-TS. Nguyễn Thừa Lộc, giảng viên cao cấp của Đại học Kinh tế Quốc dân dẫn chứng, theo số liệu được công bố gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ nắm trong tay 2% thiết bị công nghệ cao, 8% thiết bị công nghệ ở mức trung bình của thế giới, còn lại 90% thiết bị công nghệ lạc hậu. Làng nghề cũng có tỷ lệ tương tự như vậy, nhưng trình độ công nghệ của làng nghề thấp kém hơn so với doanh nghiệp.

Trong ảnh: Sản phẩm sứ Bát Tràng (Ảnh: Hồng Quang)
“Chúng ta đều biết quy mô sản xuất quyết định giá thành, còn trình độ công nghệ liên quan trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Làng nghề nước ta yếu cả về quy mô sản xuất lẫn trình độ công nghệ, nên sản phẩm làng nghề Việt Nam chưa cạnh tranh được với các nước trong khu vực”, ông Lộc lập luận.

Nói căn nguyên của công nghệ yếu kém, ông Lộc nhận định: “Xét quá trình lịch sử phát triển, trong thời gian dài chúng ta chưa chú trọng nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, mà tập trung nhiều để cải thiện quan hệ sản xuất. Và gần đây công nghệ sản xuất mới được chú ý.”

Gần đây, thực trạng hoạt động và định hướng phát triển của làng nghề được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đem ra phân tích, mổ xẻ. Đi kèm với những lo ngại về sự sống còn của làng nghề trước tác động của CMCN 4.0, một số chuyên gia cho rằng, CMCN 4.0 lại là cơ hội tốt cho làng nghề “tỉnh giấc”, đổi mới và vươn lên, thay vì “ru ngủ” làng nghề bằng con số xuất khẩu tỷ USD hay sản phẩm làng nghề được xuất đi bao nhiêu quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tính đến cuối năm 2017, cả nước có 5.407 làng nghề đang hoạt động, trong đó có 1.748 làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề của Chính phủ. Làng nghề giải quyết việc làm cho 11 triệu lao động nông thôn, với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/năm.

Theo Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hàng thủ công mỹ nghệ của làng nghề Việt Nam đã vươn ra 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2 tỷ USD; trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu, theo sau là thị trường Đức và Nhật Bản./.

Cùng loạt bài: