Những ngày cận Tết, các làng nghề truyền thống làm bún, bánh tráng nước dừa ở xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định nhộn nhịp hơn. Nhà nhà sáng đèn từ khuya tới sáng mới đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao.

Từ 4 giờ sáng, gia đình ông Bùi Văn Thưa, ở thôn Tăng Long 1, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã cửa mở bán bún cho khách. Gần Tết Nguyên đán, các gia đình ở đây làm ngày làm đêm. Bún số 8 ở xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn lâu nay nổi tiếng bởi vị dai, thơm với nguyên liệu chính là tinh bột mì, hiện có 36 hộ sản xuất mặt hàng này.

vov_bt4_whth.jpg
Nhà bà Ánh đỏ lửa cả ngày để làm bánh tráng nước dừa.

Gia đình ông Bùi Văn Thưa làm bún số 8 đã hơn 30 năm qua. Ông Thưa cho biết, sợi bún có tên là bún số 8 bởi khi bó, người làm sẽ gập lại thành hình số 8. Để bún ngon, bên cạnh việc chọn loại bột tốt thì công đoạn khuấy và canh lửa là yếu tố quyết định đến chất lượng bún. Hiện nay, nhiều hộ đã áp dụng máy móc vào sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Tám - vợ ông Thưa cho biết, những ngày cận tết, khách hàng mua nhiều hơn bình thường nên có lúc thiếu hàng bán nhưng sức người có hạn, chỉ làm đến mệt là nghỉ. “Mình làm được bao nhiêu thì được. Làm ít ăn ít làm nhiều ăn nhiều vì làm nghề này cũng mệt lắm. Riêng việc chờ cho bún khô, bưng ra bưng vào cũng mệt”, bà Tám cho biết.

Suốt mấy hôm nay, những hộ làm bánh tráng nước dừa tất bật hơn ngày thường. Tại thôn Cửu Lợi Bắc, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, bà con tranh thủ tráng bánh từ sáng tới tối. Bà Trần Thị Ánh, ở thôn Cửu Lợi Bắc cho biết, từ đầu tháng Chạp, gia đình bà đã phải tăng mức sản xuất để bán cho thương lái.

“Gia đình bắt đầu ngày làm việc từ 4 giờ sáng vì phải chuẩn bị bột, trộn dừa, gia vị sau đó quay, trộn bột cho đều rồi mới tráng. Công việc cứ thế cả ngày đến khi hết việc mà không cần biết biết mấy giờ, nếu xong sớm có thể đến 5 – 6 giờ chiều, muộn hơn sẽ là 7 - 8 giờ tối mới kết thúc, riêng dịp Tết gia đình phải làm nhiều hơn ngày thường”, bà Ánh chia sẻ.

Bánh tráng xong đem phơi lên khung tre để ráo nước.

Huyện Hoài Nhơn hiện có 4 làng nghề là chiếu cói, bánh tráng, bún số 8 và làng nghề thảm xơ dừa được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề. Trung bình hàng năm, làng nghề chiếu cói sản xuất 1,2 triệu chiếc, nghề bún số 8 và bánh tráng nước dừa đạt sản lượng khoảng 850.000 tấn/năm. 4 làng nghề này đã tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm người dân địa phương.

Ông Trương Đề, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết, địa phương đang xây dựng đề án gắn phát triển làng nghề với du lịch. “Dịp cuối năm, thời tiết tương đối thuận lợi cho việc sản xuất bún bánh số 8 cũng như chiếu cói, nên những tháng cuối năm, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán, sản lượng tăng rất cao, góp phần tăng thu nhập cho bà con làng nghề. Trong thời gian tới, huyện chỉ đạo làm sao phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch”, ông Đề cho hay./.