Tại tỉnh Đồng Tháp, việc nghiên cứu, triển khai đề tài “Thay thế chất trợ lắng trong sản xuất bột gạo lọc truyền thống” được xem là bước tiến mới cho bà con làng nghề trăm năm tuổi này tại Sa Đéc.
Cũng như nhiều cơ sở khác trong tỉnh Đồng Tháp, cơ sở sản xuất bột Tư Nương ở thành phố Sa Đéc loay hoay trong quy trình sản xuất truyền thống với dịch chiết từ lá dâm bụt để làm chất lắng bột từ xưa đến nay. Tuy nhiên, trước yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng của châu Âu, ông Nguyễn Văn Nương, chủ cơ sở đã mạnh dạng ứng dụng máy móc, công nghệ mới để làm ra bột chất lượng tốt.
"Trước đây, tôi không bán cho công ty mà chỉ tiêu thụ nội địa nên viêc chất tồn dư trong bột chưa chú trọng lắm. Sản xuất chủ yếu là theo truyền thống. Giờ đây, các nhà khoa học trực tiếp hỗ trợ đã giúp bà con thay đổi cách làm cho khoa học hơn" - ông Nguyễn Văn Nương cho biết.
Khi sử dụng chất trợ lắng carrageenan theo quy trình của nhóm, trải qua thời gian nghiên cứu hơn 6 tháng thì quy trình sản xuất bột lọc với chất trợ lắng đã được nhóm nghiên cứu dần hoàn thiện và áp dụng thành công tại cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Nương cho biết, sau khi thu hồi bột tinh có sử dụng chất trợ lắng carrageenan giúp cho tỉ lệ thu hồi bột cao hơn, trắng mịn và không tồn dư kim loại nặng. Đây được xem là bước tiến quan trọng để bột lọc của cơ sở Tư Nương đủ tiêu chuẩn xuất đi châu Âu thông qua các sản phẩm sau bột của công ty cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang.
"Khi có chất trợ lắng thì cả hội quán làng nghề đều cố áp dụng và thực hiện theo kết quả của đề tài nghiên cứu này. Điều này giúp 57 thành viên có sản phẩm tốt hơn bán cho nước ngoài" - anh Nương chia sẻ.
Để thực hiện đề tài này, nhóm nghiên cứu đã chọn 1 cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại và 1 cơ sở sản xuất theo truyền thống thủ công để so sánh tính hiệu quả thu hồi bột sau lắng. Kết quả cho thấy, tỉ lệ thu hồi bột sau khi dùng chất trợ lắng carrageenan theo tỉ lệ của nhóm nghiên cứu đều đạt trên 87%, chất lượng tinh bột tốt hơn, trắng hơn và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Quan trọng hơn là không tồn dư kim loại nặng.
Nhóm nghiên cứu đề tài đồng hành cùng người dân làng nghề bột. |
Bên cạnh việc tìm ra quy trình chuẩn sử dụng chất trợ lắng carrageenan, các thành viên nhóm nghiên cứu còn khảo sát trên 400 cơ sở sản xuất bột gạo tại làng nghề truyền thống Tân Phú Đông. Hiện tại có hơn 94% cơ sở sản xuất theo quy trình truyền thống, thiết bị máy móc chưa được đầu tư nên chưa đạt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt ở các cơ sở nhỏ lẻ. Đây là thách thức cần đặt ra để bảo tồn và phát triển làng nghề làm bột khi các yêu cầu của doanh nghiệp thu mua ngày cằng khắt khe.
Bà Lê Thị Hồng Nhung, Trưởng nhóm nghiên cứu đề tài chỉ rõ: "Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, chất lượng sản phẩm của đề tài thì hàm lượng nhôm, kim loại nặng không còn là nỗi lo. Sản phẩm đạt được chuẩn xuất khẩu; đồng thời chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm được đánh giá cao. Sản phẩm làm ra từ việc nghiên cứu này được các công ty nhập khẩu chấp nhận và đánh giá cao".
Đây được xem là một trong những đề tài mang tính ứng dụng cao, đáp ứng được yêu cầu bức thiết của bà con làng nghề sản xuất bột hàng trăm năm tuổi trước nguy cơ mai một ở tỉnh Đồng Tháp. Từ việc bổ sung 0,1% dịch chiết từ lá dâm bụt để tăng độ lắng, tỷ lệ thu hồi bột cao, sản phẩm có màu sắc sáng đẹp, nhóm nghiên cứu đã bố trí các thí nghiệm với một số phụ gia để xác định loại phụ gia thích hợp có thể thay thế dịch chiết từ lá dâm bụt; qua đó, tăng hiệu quả quá trình tách cặn và thu hồi tinh bột, đáp ứng nhu cầu khách hành, đặc biệt là xuất khẩu. Đây là tín hiệu đáng mừng cho làng bột Sa Đéc trong năm mới 2019./.
EVN định hướng ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh điện
Sau cổ phần hóa, DNNN vẫn CEO xưa, việc cũ và công nghệ lạc hậu?