44 năm sau ngày giải phóng, tỉnh Quảng Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ từ một tỉnh thuần nông trở thành tỉnh công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Từ một tỉnh nghèo nhất nước, hệ thống kết cấu hạ tầng tạm bợ, thu ngân sách dưới 130 tỷ đồng vào năm 1997, đến nay, tỉnh Quảng Nam trở thành 1 trong 15 địa phương có đóng góp nguồn thu cho ngân sách Trung ương, năm 2018 thu đạt hơn 21.000 tỷ. Thành quả đạt được có sự đóng góp rất lớn từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

fdi_quang_nam_vov_hxwo.jpg
Các doanh nghiệp FDI giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động tỉnh Quảng Nam.

Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Panko Tam Thăng thuộc Tập đoàn dệt may Panko, Hàn Quốc là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Khu công nghiệp Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Doanh nghiệp này đạt “kỷ lục” về tiến độ đầu tư xây dựng nhà xưởng. Với tổng diện tích thuê đất 33 héc-ta, tổng vốn đầu tư 80 triệu USD, doanh nghiệp Panko giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 công nhân, chủ yếu là người địa phương.

Ông Han Chul Joon, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Panko Tam Thăng cho biết: “Chúng tôi đã đến với Khu công nghiệp Tam Thăng, Chu Lai và Quảng Nam không chỉ vì thành công của Panko Vina tại Việt Nam, mà quan trọng hơn chính là hệ thống chính trị nổi bật của tỉnh. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng trước sự hỗ trợ rất tích cực từ chính quyền của tỉnh và ngành chức năng ngay từ bước đầu tiên tìm hiểu đầu tư. Đây là điều mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng mong muốn, đặc biệt là với các nhà đầu tư nước ngoài”.      

Khu công nghiệp Tam Thăng nằm trên địa bàn xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ và một phần diện tích của xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; tổng diện tích giai đoạn 1 gần 200 héc-ta. Khu công nghiệp này được xem là thành công nhất của tỉnh Quảng Nam trong thu hút vốn đầu tư trước tiếp nước ngoài (FDI).

Ông Nguyễn Văn Chúng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Ban Quản lý Khu công nghiệp Tam Thăng nhớ lại những ngày đầu xây dựng hạ tầng tại vùng cát mênh mông, nơi từng hứng chịu biết bao bom đạn chiến tranh, doanh nghiệp đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức. Chưa đầy 2 năm đưa vào khai thác, khu công nghiệp này thu hút 20 doanh nghiệp đầu tư. Trong đó hơn 90% là doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đầu tư trên 500 triệu USD.

“Khi đầu tư vào Khu công nghiệp Tam Thăng, với tư cách là Công ty phát triển hạ tầng thì chúng tôi gặp phải những khó khăn, lúc đầu là không đường, không điện, không nước. Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, hôm nay đạt được những thành quả ngoài mong đợi. Phần lớn doanh nghiệp ở đây là doanh nghiệp lớn, là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. So với diện tích bồi thường giải phóng mặt bằng coi như đã lấp đầy”.

Nhà máy tái sử dụng nước thải tại Khu công nghiệp Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ.

Đến nay, tỉnh Quảng Nam thu hút 169 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư hơn 5,6 tỷ USD. Riêng năm qua, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 26 dự án FDI, tổng vốn đăng ký trên 300 triệu USD. Đã có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Quảng Nam, địa phương này đang nổi lên là vùng “đất lành” với các nhà đầu tư nước ngoài. Tỉnh Quảng Nam hiện đang dẫn đầu khu vực miền Trung và Tây Nguyên về thu hút vốn đầu tư FDI, đứng thứ 13 trên 63 tỉnh, thành phố có đầu tư FDI tại Việt Nam. 

Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong “làn sóng” đầu tư FDI có những doanh nghiệp “đầu tàu” như: Tập Đoàn ExxonMobil (Hoa Kỳ) ký kết với tỉnh Quảng Nam về khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển miền Trung khoảng 100 km về phía Đông. Giai đoạn đầu, sản lượng khai thác của dự án sẽ đủ cung cấp khí cho 4 nhà máy điện với tổng công suất 3.000 MW. Trong đó, 2 nhà máy đặt tại Khu kinh tế Chu Lai, tỉnh Quảng Nam và 2 nhà máy đặt tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Dự án Khu Nghỉ dưỡng Nam Hội An, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, do Tập đoàn VinaCapital và Tập đoàn Gold Yield Enterprises đầu tư. Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An là nhà phát triển dự án. Dự án đưa vào khai thác từng phần kể từ đầu năm 2019 và hoàn thành tổng thể vào năm 2035.

Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Hướng của tỉnh giải quyết cụ thể những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bằng nhiều cách thức khác nhau. Sắp tới, tỉnh cũng tập trung quyết liệt rà soát lại toàn bộ tất cả những công việc về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, với mục đích cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trên địa bàn có hiệu quả hơn”./.