Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia tại Hội thảo diễn biến giá cả, thị trường Việt Nam năm 2012 và dự báo 2013 (diễn ra sáng 27/12) thì lạm phát năm 2012 được kiềm chế là do giá lương thực thực phẩm đã giảm trong nhiều tháng. Trong khi, đây là hai mặt hàng chiếm tới 40% trong rổ hàng hóa tính CPI. Năm nay, do kinh tế khó khăn đè nặng lên các ngành sản xuất lương thực, thực phẩm nên nhiều DN gần như không đầu tư sản xuất. Đây là yếu tố tiềm ẩn khiến giá cả các mặt hàng này sẽ tăng trong năm tới.

Lạm phát có nhiều bất thường...

Dẫn chứng được các chuyên gia kinh tế đưa ra là có tháng chỉ số giá cả (CPI) tăng mạnh lại có tháng chỉ số này giữ ở mức âm. Mặc dù Nhà nước áp dụng một số biện pháp làm tăng cung tiền, tăng giá một số hàng hóa dịch vụ nhưng chỉ số giá tiêu dùng vẫn vận động ở mức thấp.

Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) thị trường hàng hóa diễn biến khá ảm đạm, sức mua yếu và tồn kho cao là những vấn đề nổi cộm nhất. Sau một năm triển khai các giải pháp quyết liệt theo tinh thần Nghị quyết 11 trong năm 2011 với chính sách tiền tệ, tài khóa thắt chặt, nguồn cung tiền ra lưu thông bị hạn chế. Tổng phương tiện thanh toán cả năm 2011 chỉ tăng 9,27% so với cuối năm 2010. Đây là mức tăng khá thấp và là nguyên nhân chính tác động đến sức mua đầu năm 2012. Sức mua yếu và tồn kho cao là nguyên nhân chính khiến giá cả các mặt hàng khó có thể điều chỉnh tăng mặc dù chi phí đầu vào tăng cao.

Bên cạnh đó, bà Ngô Thị Ánh Dương-Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá cả (Tổng cục Thống kê) cho rằng, khi giá giảm liên tiếp thì các nhà quản lý không thấy mừng mà lại dấy lên nỗi lo lắng về sự báo hiệu một nền kinh tế tăng trưởng thấp, với những khó khăn chưa giải quyết ngay được mà còn kéo dài sang đến năm sau. Đó là tình trạng DN thu hẹp sản xuất, người lao động thiếu việc làm… Mặt khác, bà Dương cũng cho rằng năm nay, phản ứng của thị trường cũng có sự thay đổi. Dù trong năm có những đợt điều chỉnh giá xăng dầu, tiền lương… nhưng không có chuyện tăng giá kiểu “té nước theo mưa” bởi khi cung cầu giảm sút, cả người tiêu dùng và người bán hàng cùng thận trọng.

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết thêm: Yếu tố đồng bộ, hiệu quả giúp giá cả giảm đà tăng là đúng nhưng cần nhìn nhận thực chất về những mặt khó khăn của nền kinh tế. Theo đó, ở chiều ngược lại vẫn có những lực kéo khiến giá thị trường không tăng quá cao. Đó là nợ xấu, tồn kho và tổng cầu giảm.

Về những nguyên nhân tạo áp lực tăng giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng đó là những bất lợi của thị trường thế giới, hiệu quả sử dụng nguồn lực chưa cao, chi phí đầu vào cơ bản của sản xuất kinh doanh tăng, chi phí tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh đứng ở mức cao trong cả năm. Điểm đáng lưu ý được ông Thỏa chỉ ra là việc bơm khoảng 200.000 tỷ đồng vào thị trường để mua khoảng 10 tỷ USD cho dự trữ ngoại hối làm gia tăng khối lượng tiền lưu thông. Bên cạnh đó là việc Nhà nước chủ động điều chỉnh giá để thực hiện giá thị trường đối với một số mặt hàng. “Những áp lực tăng giá này là lớn nhưng chỉ số giá tiêu dùng vẫn vận động trong tầm kiểm soát là do Nhà nước tổ chức việc thực thi, điều hành chính sách một cách thận trọng, nhất quán, đúng hướng và hiệu quả”, ông Thỏa nói. 

... và rình rập tăng cao

Để tiếp tục mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2013, ông Nguyễn Lộc An cho rằng cần tập trung kiểm soát các yếu tố có tác động làm tăng giá. Theo đó, cần kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán nhưng vẫn đảm bảo kích cầu cho nền kinh tế nhằm vượt qua các khó khăn về tiêu thụ hàng hóa cần thận trọng và có cơ chế giám sát chặt chẽ việc đầu tư, chi tiêu công. Về việc tăng giá các mặt hàng theo lộ trình, ông Phó Vụ trưởng đề xuất cần tránh các thời điểm nhạy cảm và không nên tăng đồng loạt để tránh gây tâm lý bất ổn cho thị trường.

Trong khi đó, đánh giá về phát năm 2013, ông Thỏa khẳng định “vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao”. Bởi theo ông Thỏa, nguyên nhân sâu xa của lạm phát là từ cơ cấu kinh tế, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu quả sử dụng vốn và yếu kém trong điều hành. Trong khi đó, tái cơ cấu nền kinh tế mới ở giai đoạn đầu nên chưa thể trông đợi có ngay cơ cấu kinh tế hợp lý.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, các giải pháp tháo gỡ khó khăn đang được Chính phủ xem xét sẽ tác động tốt đến thị trường. Bởi vì những gói giải pháp này tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận vốn. Dù vậy, cần lưu ý, nếu chính sách tài khóa tiền tệ được thực hiện theo hướng không nới lỏng bằng mọi giá thì không sao. Do đó, trong chính sách tiền tệ, đặc biệt chú ý kiểm soát nguồn cung tín dụng. Nguồn cung tín dụng phải hướng vào sản xuất, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo việc làm và tạo nhiều sản phẩm. Nếu tiếp tục bơm tiền vào những lĩnh vực không mang lại hiệu quả có thể dẫn đến tình trạng cơ cấu nợ xấu tăng và bất ổn cho thị trường.

Để kiềm chế lạm phát, bà Ánh Dương cho rằng, phải hết sức thận trọng trong việc nới lỏng chính sách tài khóa. Trong điều kiện thu ngân sách khó khăn, bội chi ngân sách còn lớn, cần giám sát chặt chẽ chi tiêu công, đầu tư công. Nếu không, sẽ làm tăng bộ chi, làm lạm phát tăng cao./.