Với nhiều nỗ lực trong việc kiềm chế và kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 chỉ tăng 0,47%. Theo  nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu kiềm chế lạm phát sẽ đạt mục tiêu đề ra trong năm nay là 0,8%, thậm chí còn thấp hơn mức đề ra. PV Hữu Tiến trao đổi với Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài Chính) về vấn đề này.

PV:Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 chỉ tăng 0,47%, nhưng theo quy luật thì vào dịp cuối năm giá cả hàng hóa thường tăng cao do nhu cầu tiêu dùng. Vậy theo ông, mục tiêu kiềm chế và kiểm soát lạm phát dưới mức 8% có thể đạt được không?

TS. Vũ Đình Ánh: Đến hết tháng 11/2012 thì chỉ số giá tiêu dùng nếu so với cuối năm 2011 thì mới chỉ tăng có 6,5%. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái cũng chỉ tăng 7,08%. Như vậy còn tháng 12 chịu sự chi phối của các diễn biến mang tính chủ đạo, thì có thể nói, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở con số dưới 8% trong năm 2012 là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Ngay cả tháng 12 chỉ số CPI tăng tới 1% thì cả năm CPI cũng chỉ mức 7,5%. Như vậy tôi cho rằng với diễn biến chỉ số giá cũng như lạm phát trong năm 2012 thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm.

ts_vu_dinh_anh_2.jpg
TS. Vũ Đình Ánh. Ảnh: petrotimes.vn

PV:Nhìn lại năm 2012, có ý kiến cho rằng, mặc dù đạt được mục tiêu trong kiểm soát chỉ số tăng giá tiêu dùng, tuy nhiên việc điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu vẫn chưa phù hợp. Ý kiến của ông về nhận xét này  như thế nào?

TS. Vũ Đình Ánh: Chúng ta thấy tác động rất lớn từ việc điều chỉnh giá của một số dịch vụ công, điển hình là dịch vụ y tế, thì rõ ràng nằm trong phạm vi có thể điều chỉnh được, liên quan đến thời điểm, mức độ điều chỉnh cũng như trình tự để điều chỉnh.

Do đó những gì diễn biến trong năm 2012 có thể là bài học tốt cho việc quản lý giá, liên quan không chỉ tới dịch vụ công, dịch vụ y tế, giáo dục mà kể cả các dịch vụ khác nằm trong chương trình định giá của Chính phủ hay trong chương trình bình ổn giá cũng như sự dụng các công cụ bình ổn giá trong năm 2013. Với những bài học kinh nghiệm đó thì năm 2013 thực hiện chính sách giá một cách linh hoạt và hợp lý hơn, thì sẽ hỗ trợ tốt cho mục tiêu kiềm chế và kiểm soát lạm phát trong năm 2013.

PV:Chính phủ đặt mục tiêu trong năm 2013 là kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 8% (tương đương với năm nay). Để đạt được mục tiêu này, theo ông, cần quan tâm vấn đề gì?

TS. Vũ Đình Ánh: Tôi cho rằng năm 2013 diễn biến của lạm phát cũng như chỉ số giá tiêu dùng các tháng và cả năm chắc chắn vẫn chịu sự chi phối của các yếu tố chủ đạo như năm 2012 là tổng cầu tiêu dùng, tổng cầu đầu tư cũng khó mà tăng cao, theo đó diễn biến của lạm phát sẽ bớt nóng rất nhiều.

Vấn đề thứ hai, năm 2013 cũng có nhiều yếu tố phụ thuộc vào yếu tố giá, hay chính sách quản  lý giá, liên quan đến các nguyên, nhiên, vật liệu, như: điện, xăng dầu; hay liên quan tới các dịch vụ công cơ bản, quan trọng như: giáo dục, y tế, thì trong chừng mực nhất định có thể chủ động điều tiết được.

Yếu tố thứ ba là sự khó khăn trong phát triển kinh tế năm 2013 chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5% , cao hơn một chút so với năm 2012.

Với các yếu tố đó, tôi cho rằng khả năng đạt được mục tiêu duy trì lạm phát tương tự như năm 2012 là khoảng 8%. Một số yếu tố không có đột biến lớn thì có thể lạm phát còn thấp hơn mức chúng ta đặt ra.

PV:Cảm ơn ông!./.