Vì sao lạm phát phi mã?
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 7,7% so với 12 tháng trước đó, thấp hơn nửa điểm phần trăm so với chỉ số tháng 9. Tính trung bình hàng tháng, CPI đã tăng 0,4% trong tháng 10, tương đương với mức tăng hàng tháng trong tháng 9. Vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đưa tốc độ tăng trưởng giá trở lại ngưỡng bình thường.
Báo cáo lạm phát được đưa ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lên khoảng 3,75%–4,00%, một mức tăng đáng kể trong thời gian ngắn.
Nigel Green, Giám đốc điều hành của deVere Group cho biết, lạm phát dù đã hạ nhiệt trong tháng 10 so với dự kiến chung, nhưng vẫn còn quá nóng để FED rút khỏi chương trình tăng lãi suất.
Bộ Thương mại Mỹ cho hay, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE) đã tăng 5,1% trong tháng 10, cao hơn cả mục tiêu 2% của FED.
Lạm phát được cho là kẻ thù số một của FED trong năm nay. Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đã thực hiện những thay đổi mạnh mẽ đối với chính sách tiền tệ để đưa lạm phát xuống mục tiêu dài hạn khoảng 2%.
Lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm bởi giá cả vẫn tiếp tục leo thang, làm dấy lên lo ngại có thể châm ngòi cho một cuộc suy thoái. Điều này khiến FED có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm ít nhất 50 điểm cơ bản nữa vào tháng 12 tới, đưa lãi suất lên khoảng 4,25% - 4,50%.
Liệu lạm phát có châm ngòi cho một cuộc suy thoái?
FED đang “đau đầu” với bài toán cân bằng giữa việc tăng lãi suất mạnh mẽ để giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế.
Lãi suất tăng làm tăng chi phí vay cho các công ty và người tiêu dùng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Cho đến thời điểm này, thị trường lao động Mỹ vẫn ổn định, nhưng mức giảm 21% từ đầu năm đến nay của S&P 500 phản ánh những lo ngại trên Phố Wall (Wall Street) rằng nền kinh tế có thể không chấp nhận lãi suất tăng đột biến.
Cổ phiếu tăng trưởng đặc biệt nhạy cảm với lãi suất tăng vì các nhà quản lý quỹ thường sử dụng mô hình dòng tiền chiết khấu để xác định mục tiêu giá của họ đối với cổ phiếu tăng trưởng. Dòng tiền trong tương lai được coi là ít giá trị hơn khi tỷ lệ chiết khấu cao hơn.
Chia sẻ trên kênh CNBC, Cựu Chủ tịch FED tại Boston, ông Eric Rosengren, nhận định: FED có vẻ sẽ tăng lãi suất lên mức kịch kim và vượt mức dự báo 5% của các nhà đầu tư. Và điều này sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái nhẹ trong năm 2023.
Theo ông Rosengren, FED sẽ tăng lãi suất mạnh khi thị trường lao động Mỹ suy yếu và tăng trưởng lương danh nghĩa chậm lại. Để lãi suất lên mức kịch kim 5,5% vào năm tới, ông Rosenberg cho rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ phải ở ngưỡng 5 - 5,5%, cao hơn mức 3,7% hiện nay và vượt mức dự báo 4,4% của FED.
"Nếu rơi vào suy thoái thì nền kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào việc nới lỏng chính sách tiền tệ bởi sẽ không có gói kích thích tài chính nào được đưa ra”, ông Rosengren lưu ý.
Lịch sử cho thấy các đợt tăng mạnh lãi suất của FED sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái. Trong khi đó, giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng, chính sách chống dịch cứng rắn và thị trường bất động sản gặp ở Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới – sẽ khiến tăng trưởng kinh tế có nguy cơ giảm tốc.
Ngoài ra, còn nhiều yếu tố rủi ro tiềm tàng khác có thể ảnh hưởng đến kinh tế thế giới trong năm tới, trong đó có cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, mối quan hệ thương mại rạn nứt giữa các nền kinh tế lớn, thị trường bất động sản và chứng khoán đang gặp khó…/.