Núi rừng Quảng Ninh “đã xanh nay càng xanh hơn” khi những tán rừng trồng cây gỗ lớn, cây bản địa đang dần bao phủ. Với chính sách hỗ trợ thiết thực, bà con các dân tộc vùng cao đang vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu từ những cánh rừng quê hương và đón một mùa Xuân mới ấm áp, đủ đầy hơn.

Vừa thăm nương 2 ha trồng dổi đang lên xanh tốt, vợ chồng ông Triệu Quý Trình (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) vừa bàn chuyện mở rộng diện tích cho vụ sau. Ông nhẩm tính, giống dổi ghép này sẽ bắt đầu cho trái sau 4-5 năm. Với giá thị trường từ 600.000 – 800.000 đồng/kg quả, ông có thể lãi hàng trăm triệu đồng mỗi ha. Chưa kể cây dổi vốn phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên rất ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm bón và được hỗ trợ cây giống lên tới 15 triệu đồng/ha.

“Gia đình trồng dổi thấy phát triển tốt nên cũng kêu gọi mọi người xung quanh làm theo. Chúng tôi thấy rất tiếc vì trước đây không biết trồng, chưa biết làm ăn để đất đai lãng phí, không tạo ra giá trị kinh tế. Bà con muốn làm sao nâng giá trị sản phẩm miền núi thì mới đảm bảo đời sống”, ông Trình tâm sự.

Dổi, lim, lát, mỡ hay quế, hồi đều là những loại cây gỗ lớn, cây bản địa thân thuộc với người dân Ba Chẽ, nơi sở hữu 1/3 diện tích rừng của tỉnh Quảng Ninh. Người Dao sống đời đời ở đất này đã từng đi dưới những cánh rừng thâm u bạt ngàn gỗ quý, có cây lớn vài người ôm. Nhưng rồi rừng gỗ lớn thưa dần, bà con ồ ạt trồng keo, bạch đàn bởi nhanh được khai thác. Ngay cả cây quế truyền thống, mấy năm nay thị trường tiêu thụ ổn định, giá thu mua vỏ trên 300 triệu/ha nhưng phần lớn hộ trồng rừng vẫn e dè, phần vì không đủ điều kiện kinh tế, phần vì phải mất tới gần chục năm mới được thu hoạch.

Bước ngoặt tới từ Nghị quyết số 19 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến 2025, tầm nhìn đến 2030, sau đó là Nghị quyết số 337 của HĐND tỉnh Quảng Ninh quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững. Các hộ trồng rừng ở Ba Chẽ và TP Hạ Long trồng 30 loại cây gỗ lớn, cây bản địa sẽ được hỗ trợ 100% cây giống (tối đa 15 triệu đồng/ha); vay vốn 20 triệu đồng/ha và chuyển từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ hỗ trợ 45 triệu/ha…

Anh Lưu Minh Thắng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc cho biết, xã tập trung tuyên truyền qua hệ thống loa FM, phối hợp với huyện thành lập các tổ công tác đi xuống từng thôn bản họp với người dân, tư vấn, hỗ trợ. “Do điều kiện kinh tế bà con còn khó khăn, trong khi chu kỳ sản xuất gỗ lớn dài trên 20 năm, nên trước mắt xã tuyên truyền cho các gia đình có điều kiện trồng một vài ha, còn lại tập trung trồng quế có chu kỳ ngắn ngày hơn. Quá trình chuyển đổi sẽ được thực hiện dần dần để khôi phục hình ảnh rừng gỗ lớn Ba Chẽ như xưa”, anh Thắng cho biết.

Năm 2021, Ba Chẽ có gần 200 hộ gia đình được hỗ trợ kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Toàn huyện trồng mới 3.000 ha rừng, trong đó 660 ha cây gỗ lớn, 500 ha chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Không còn tư duy “làm xổi, ăn xổi”, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã cùng bàn bạc, thành lập HTX nghề rừng để giúp nhau thoát nghèo bền vững và cùng làm giàu.

Anh Triệu Quay Phúc, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Ba Chẽ kể, nhờ kiên trì với cây quế, năm qua không ít gia đình có thu nhập tới 400 triệu đồng/ha, đời sống kinh tế ổn định, xây được nhà mới, sắm được cả ô tô và cho con cái học hành đầy đủ.

“Mình muốn thành lập HTX vừa thu mua vỏ, vừa cung ứng cây giống cho bà con với nguồn giống chuẩn, ổn định. Đồng thời khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng để giữ nguồn nước, hệ sinh thái ở đây  có giá trị cao để thu nhập ổn định, làm giàu bền vững”, anh Phúc cho biết.

2.000ha lim, dổi, lát trồng mới ở những nơi có đủ điều kiện là mục tiêu mà toàn tỉnh Quảng Ninh đặt ra trong năm 2022. Người dân toàn tỉnh cũng tích cực tham gia đăng ký trồng cây gỗ lớn, cây bản địa với con số trên 1.400 ha. Tuy vậy, để việc chuyển đổi rừng gỗ lớn thực sự bền vững, nâng cao năng suất, giá trị, Quảng Ninh xây dựng đề án kinh tế dưới tán rừng, tập trung vào các loại cây dược liệu giá trị cao để “lấy ngắn nuôi dài”, đảm bảo sinh kế cho người dân.

Qua từng năm, trà hoa vàng, ba kích, cát sâm dưới tán rừng; sau đó đến quế, hồi, sở cho thu hoạch, và mươi năm sau sẽ là những cánh rừng lim, dổi, lát trùm bóng. Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ mở rộng diện hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp ra quy mô toàn tỉnh, rà soát quy hoạch, xác định từng loại cây trồng cụ thể ở từng địa phương, đẩy mạnh xã hội hoá nghề rừng, thu hút các cơ sở chế biến lâm sản công nghệ cao,…

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đang tập trung cùng các địa phương phối hợp với ngành du lịch để xây dựng hệ thống bán sản phẩm OCOP chế biến từ kinh tế rừng, dược liệu. Quảng Ninh đang lập quy hoạch lại vùng sản xuất, thu hút các nhà đầu tư vào chế biến sâu phục vụ xuất khẩu, khai thác tiềm năng lợi thế đất lâm nghiệp, đặc biệt ở khu vực miền đông của tỉnh. 

Khi những cơn mưa phùn ấm áp của mùa Xuân thức tỉnh những chồi non say ngủ cũng là lúc người trồng rừng Ba Chẽ lên nương. Cả bản gọi nhau, người làm đất, dọn thực bì, người gánh bầu cây, đào hố mới, không khí vui như hội. Rồi đây, những cánh rừng hồi, quế, lim, lát, dổi,… sẽ phủ kín những khoảng đồi, sườn núi, mang lại màu xanh tràn đầy sức sống và khát vọng của người vùng cao nơi này./.