Chiều 26/12, tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk, Trung tâm khuyến nông quốc gia (Bộ NN&PTNT), Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại việt Nam (VnSAT) phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức diễn đàn khuyến nông và nông nghiệp với chủ đề “một số giải pháp thâm canh cà phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững”.

Theo Đề án phát triển ngành cà phê bền vững đến năm 2020, cả nước khoảng 600.000 ha cà phê, với 80% diện tích áp dụng quy trình sản xuất bền vững có chứng nhận và 80% sản lượng cà phê quả tươi đạt tiêu chuẩn; năng suất đạt 2,7 tấn/ha.

2_almn.jpg
Đề án phát triển ngành cà phê bền vững đến năm 2020 cả nước khoảng 600.000 ha cà phê.
Đề án cũng xác định xây dựng ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm đa dạng, có chất lượng, mang lại giá trị tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và doanh nghiệp.

Vùng Tây Nguyên hiện chiếm trên 90% diện tích và sản lượng cà phê của cả nước. Đây là cây trồng chủ lực, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho khoảng 500.000 nông hộ.

Với nhiều địa phương trong vùng, cà phê còn là cơ sở, nền tảng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn qua phát triển chuỗi liên kết từ trồng trọt, thu mua, chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị của ngành hàng cà phê.

Tuy nhiên, những năm gần đây ngành cà phê Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho thời tiết, sâu bệnh diễn biến bất thường, đặc biệt là tình trạng hạn hán kéo dài, mưa trái vụ, bão lũ…ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng, phát triển và năng suất, chất lượng cà phê…

Tại diễn đàn, các nhà quản lý, nhà khoa học, nông dân và đại diện doanh nghiệp đã trao đổi, giải đáp thắc mắc và đề ra một số giải pháp trong việc phát triển cà phê bền vững ở Tây Nguyên.

Theo TS. Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Quốc gia, cần phải đồng bộ làm tốt các biện pháp như thực hiện tốt kế hoạch tái canh; chuyển đổi cơ cấu giống; thực hiện tốt quy trình canh tác; tưới nước tiết kiệm; nâng cấp sơ chế cà phê nông hộ; tăng cường công tác khuyến nông.

TS. Trần Văn Khởi cũng cho rằng, hạn chế lớn nhất của ngành cà phê hiện nay là đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu ngày càng biểu hiện rất rõ và làm đảo lộn quy trình trồng, sản xuất và kinh doanh cà phê. Bên cạnh đó, những diện tích cà phê già cỗi sau nhiều cần tái canh, một số bệnh hại những năm gần đây đã xuất hiện rất trầm trọng như vàng lá, thối rễ…

“Những hạn chế về canh tác đặt ra cho các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và bà con nông dân phải suy nghĩ, đề ra những giải pháp làm tăng năng suất cà phê hiện nay cũng như chung cho những năm sau, trong đó cần đề cao hơn nhận thức, đặc biệt là kỹ năng sản xuất cà phê của nông hộ”, Trần Văn Khởi nêu rõ./.