Lâm Đồng là tỉnh có tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước và điều kiện sinh thái phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa, với tổng diện tích đất canh tác khoảng 300.000ha. Trong đó có nhiều loại nông đặc sản chiếm ưu thế như: rau, hoa, chè, cà phê, dâu tằm, cây ăn quả, bò sữa và cá nước lạnh... Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện đã đạt trên 54.000ha và cho doanh thu bình quân đạt 169 triệu đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông minh 4.0 của Lâm Đồng vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế, chỉ mới dừng lại ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn; công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHKT của các cơ quan, đơn vị Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu thực tế của người dân và doanh nghiệp; ảnh hưởng của biến đối khí hậu, mưa đá, sương muối xảy ra thường xuyên hàng năm làm thiệt hại nhiều diện tích cây trồng, tạo điều kiện dịch hại bùng phát như virus hại hoa cúc, cà chua.

vov_nong_nghiep_rzan.jpg
Lâm Đồng đang tìm cách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh.

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia đã hiến kế và giới thiệu một số mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý sản xuất và thu hoạch; ứng dụng nông nghiệp thông minh trong ứng phó với biến đổi khí hậu; ứng dụng tra cứu và quản lý việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; truy xuất chuỗi cung ứng khoai tây, cà rốt có nguồn gốc xuất xứ Lâm Đồng bằng công nghệ Blockchain và 4.0...

Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đây là những đóng góp rất hữu ích, giúp Lâm Đồng định hình thêm các giải pháp hợp lý để góp phần thúc đẩy nông nghiệp thông minh của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn.

“Thời gian qua, Lâm Đồng đã tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, song như vậy là chưa đủ, bởi nông nghiệp công nghệ cao chưa hẳn là nông nghiệp thông minh, nhưng nông nghiệp thông minh phải là trên nền tảng công nghệ cao. Hiện nay, cả nước có khoảng 12 đơn vị doanh nghiệp cung cấp phần mềm ứng dụng chủ yếu là giải pháp IOT, còn toàn bộ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp IOT và các thiết bị Blockchain truy xuất nguồn gốc, mã vạch thì tỉnh Lâm Đồng có 36 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 65%. Chúng tôi đánh giá rất cao sự quan tâm của các nhà khoa học, các công ty nông nghiệp lớn đã chia sẻ kinh nghiệm cho tỉnh Lâm Đồng những thông tin rất quý báu về khoa học công nghệ, nông nghiệp thông minh”, ông Phạm S nói./.