Nhờ ban hành chủ trương đúng và trúng trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, được người dân đồng thuận cao, những năm gần đây, Sơn La đã nổi lên như một “hiện tượng nông nghiệp” của cả nước. Địa phương này hiện đã có 84.000 ha cây ăn quả, trở thành 1 trong những tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất cả nước.

Giải pháp gắn kết các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua các HTX nông nghiệp mà địa phương này triển khai không chỉ góp phần khẳng định vị thế trong chuỗi thành công của "hiện tượng" nông nghiệp Sơn La, mà còn  giúp nhiều nông dân có cơ hội bước tới một nấc thang mới là làm chủ HTX.

Sang tháng 9 nhưng công việc bẻ nhãn, đóng nhãn vào thùng để chuyển đi tiêu thụ của các xã viên HTX Phương Nam ở bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười. Vừa nhanh tay lựa những chùm nhãn to tròn, căng mọng, đôi mắt của anh Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam ánh lên niềm vui cho biết, trước đây, các hộ gia đình ở đây mạnh ai nấy làm, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Nhưng chưa đầy 6 năm cùng tham gia HTX với tên gọi Phương Nam, giờ đây quy mô sản xuất, kinh doanh tăng trưởng mạnh. HTX hiện đang có 100 ha cây ăn quả, trong đó có 8 ha nhãn chín muộn, 15 ha xoài tượng da xanh và 5 ha chuối tiêu hồng. Quy mô hợp tác xã có 10 thành viên chính thức, 30 thành viên liên kết, tất cả đều là người địa phương ở đây.

“Nếu xác định chỉ làm giàu cho riêng mình sẽ rất dễ, nhưng để tất cả các anh em của mình cùng phát triển kinh tế sẽ rất là khó. Vì vậy mình luôn xác định phải thay đổi tư duy, không nghĩ chủ nhiệm HTX là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, mà phải nghĩ anh em giàu là mình có. Khi đã được anh em tín nhiệm, những kinh nghiệm học hỏi được cùng nhau chia sẻ, có như vậy mới thành được 1 HTX cùng các thành viên và các hộ gia đình phát triển”, anh Kiên chia sẻ.

Từ suy nghĩ ấy, năm 2016, HTX Phương Nam được thành lập với 7 thành viên. Suốt những năm qua, trong vai trò Giám đốc HTX, anh Trần Như Kiên đã tích cực tìm tòi hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm quả; liên kết, kết nối giúp đỡ các hộ thành viên được tiếp cận tiến bộ kỹ thuật sản xuất; trong đó có việc áp dụng công nghệ tưới ẩm, chăm sóc, thu hoạch các loại quả đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng. Bên cạnh đó là hướng dẫn các xã viên ghép mắt nhãn chín muộn, cải tạo vườn tạp nên năng suất, chất lượng hơn hẳn giống địa phương.

Những năm gần đây, doanh thu của HTX Phương Nam đều đạt từ 30 – 40 tỷ đồng; thu nhập bình quân của các hộ thành viên đạt từ 500 - 900 triệu đồng/năm… Những con số này một lần nữa minh chứng cho hiệu quả của quan hệ sản xuất mới trong mô hình HTX nông nghiệp, cùng khả năng làm chủ của cá nhân Trần Như Kiên Ban lãnh đạo HTX.

“HTX hướng tới sản phẩm xuất khẩu để chứng minh với thế giới rằng người Sơn La đã làm ra các nông sản đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao. Tuy nhiên HTX vẫn đặc biệt quan tâm đến 90 triệu đồng bào Việt Nam, để mọi người được thưởng thức thành quả sản xuất lao động, cụ thể là trái cây do chúng tôi làm ra”, anh Kiên chia sẻ.

Chính tư duy đột phá, quyết liệt trong suy nghĩ, hành động để biến cái không thể thành có thể ấy của người đứng đầu HTX đã giúp nhiều nông dân và các hộ thành viên trong HTX vững tâm để vươn lên “xóa giặc đói, đuổi giặc nghèo”.

Tại HTX Mé Lếch, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, 20 hộ gia đình nhiều năm nay đã bỏ trồng ngô sang chuyên canh na, gồm na dai truyền thống, na Thái và na sầu riêng. Để chăm sóc 150 ha na, các thành viên đã đầu tư máy móc hỗ trợ cho việc bừa đất, phun nước  và phun thuốc bằng máy.

Ông Nguyễn Hữu Tứ, Giám đốc HTX Mé Lếch cho biết, na sầu riêng là sản phẩm mới được HTX kết hợp với Viện Rau quả Việt Nam trồng thử nghiệm hứa hẹn đem lại thu nhập cao. Vụ bói quả vừa rồi đã bán được từ 450.000-500.000 đồng/kg, có quả cân nặng tới 2kg và vụ năm nay đã đạt 20-25 tấn/ha.

“Cây na sầu riêng là cây khó tính nên HTX đã áp dụng công nghệ cao, đặc biệt là sản xuất hữu cơ và đưa hệ thống tưới ẩm vào vườn cây. Với mỗi hệ thống tưới ẩm trên 1 ha, HTX đầu tư 110 – 120 triệu đồng, đồng thời kết nối với các công ty, các siêu thị để tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, cùng với việc quan tâm thúc đẩy để tăng số lượng các HTX kiểu mới, nhằm thu hút ngày càng nhiều hơn các hộ nông dân tham gia, bởi qua mô hình HTX, các hộ thành viên có nhiều cơ hội hơn trong việc mở rộng quy mô sản xuất, tiếp cận được với nhiều kỹ thuật sản xuất an toàn và dễ dàng hơn trong tiêu thụ sản phẩm… Sơn La cũng luôn khuyến khích đổi mới tư duy từ chính những người nông dân; đồng thời quan tâm đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ để họ có thể làm chủ các HTX…

Với con số khoảng 30% nông dân Sơn La sống được từ việc phát triển cây ăn quả; hàng trăm, hàng nghìn hộ dân đã, đang dần trở thành triệu phú, tỷ phú. Đây có thể coi là minh chứng rõ nét, cho thấy cách làm này là đúng hướng trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp ở Sơn La.

“Sơn La đã có đề án đánh giá rất kỹ HTX, qua đó nhằm đánh giá cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh trong thời gian qua đối với phát triển HTX. Tỉnh cũng chọn các HTX điển hình làm đầu tàu để các HTX khác noi theo, như HTX Mé Lếch hoạt động rất hiệu quả. Từ cây na Thái và na Đài Loan, bằng các công nghệ ghép mắt đã cho ra giống cây na sầu riêng giá trị đến 500.000 đồng/kg, mỗi quả có thể đạt trọng lượng từ 1,5 – 2 kg cho thấy hiệu quả kinh tế, trí tuệ và sức lao động miệt mài của các HTX là rất lớn”, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết.

Hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh giữa nông dân với nhau và giữa nông dân với các tổ chức kinh tế khác, bao gồm nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước là tất yếu trong quá trình phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững. Việc hình thành, phát triển các HTX nông nghiệp ở Sơn La, trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ những người đứng đầu HTX chính là một “mắc xích” quan trọng trong chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững nông nghiệp địa phương.

Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam cho biết, Sơn La là điểm sáng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Từ một tỉnh rất bình thường so với các tỉnh miền núi phía Bắc khác, trong 1 thời gian ngắn, địa phương đã trở thành một trong những tỉnh có sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh.

“Sơn La đã thực hiện rất đồng bộ công tác phát triển HTX gắn với sản xuất hàng hóa. Điểm đột phá nữa trong khâu xúc tiến tiêu thụ nông sản của Sơn La là không chỉ tiêu thụ trong nước, đã xuất khẩu thành công lượng lớn sản phẩm ra thị trường, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu…”, ông Đoàn đánh giá./.

Nhìn lại quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp ở Sơn La, nhất là trong phát triển kinh tế nông nghiệp có thể thấy người Sơn La đã có thể tự hào về những kết quả đã đạt được. Hành trình đưa Sơn La đến với thành công trong nông nghiệp hôm nay phải kể đến sự quyết tâm chuyển đổi từ tư duy đến hành động, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là những người đứng đầu./.

Cùng loạt 4 bài: