Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang chiếm 42% GDP của nước ta, trong đó, khoảng 10% GDP được đóng góp bởi khu vực doanh nghiệp và khoảng 30% được đóng góp bởi các hộ kinh doanh. Khu vực kinh tế tư nhân cũng đang đóng góp khoảng 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ phát triển của nền kinh tế nói chung. Điều quan trọng là khu vực kinh tế tư nhân đang tạo ra 83% việc làm cho người lao động.
TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. (Ảnh minh họa: KT) |
Nhìn lại tăng trưởng kinh tế năm 2019, với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 7,02% so với năm trước; Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận: “Trong giá trị xuất khẩu đạt hơn 260 tỷ USD có sự bứt phá của khu vực kinh tế trong nước - với mức tăng trưởng tới hơn 18% - cao hơn gần 3 lần so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đưa giá trị xuất khẩu của khối trong nước đạt hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, các chuyên gia đánh giá cao vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước”.
TS. Nguyễn Đình Cung nhìn nhận, phân tích 3 điểm khác biệt của kinh tế tư nhân trong năm 2019 và nhận định: “Điểm thứ nhất là đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực chính của đầu tư, tăng trưởng đầu tư của nền kinh tế, đóng góp hơn 40% về đầu tư, với tăng trưởng hơn 18%, cao có thể nói gấp 3 lần so với bình quân chung của đầu tư của nền kinh tế”.
Điểm thứ 2 khác biệt, đó là xuất khẩu của khu vực trong nước mà chủ yếu là khu vực kinh tế tư nhân sau nhiều năm cũng đã tăng từ 3-4 lần so với xuất khẩu của đầu tư nước ngoài và làm gia tăng tỷ trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
“Hai yếu tố đó đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng 7,02% GDP 2019 của Việt Nam”, TS. Nguyễn Đình Cung phân tích.
Điểm khác biệt thứ 3 là rất nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân xuất hiện và đã đầu tư vào những lĩnh vực rất quan trọng của nền kinh tế, đó là những lĩnh vực đặc trưng của công nghệ 4.0, của CMCN lần thứ tư và đầu tư vào phát triển hạ tầng của nền kinh tế - những lĩnh vực mà lâu nay chỉ có khu vực kinh tế nhà nước mới làm.
“Tôi cho đó là 3 điểm khác biệt, đặc trưng của kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019. Và như vậy thì 2020 và những năm tiếp theo tôi tin rằng khu vực kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn trên tất cả các lĩnh vực…”, ông Cung nhận định./.IMF tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu