Tại buổi Hội thảo "Kinh tế Trung Quốc 6 tháng cuối năm 2013 và triển vọng 2014" diễn ra sáng nay (3/4) do Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR tổ chức, các chuyên gia kinh tế nhận định, kinh tế Trung Quốc được cho là đang bước vào giai đoạn suy thoái. Nền kinh tế quốc gia này liên tục cho thấy những tín hiệu không mấy khả quan, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu và hệ thống tài chính. Kinh tế Trung Quốc suy giảm sẽ ảnh hưởng tới các quốc gia có quan hệ thương mại chặt chẽ, trong đó có Việt Nam cả mặt tích cực lẫn tiêu cực.

Theo đó, Việt Nam có thể hưởng lợi khi tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc suy giảm. Rõ rệt nhất là sự chuyển hướng của dòng vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc để đến các thị trường có điều kiện sản xuất tương đương nhưng bớt rủi ro hơn. Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng với triển vọng gia nhập TPP trong những năm tới, trong khi Trung Quốc thì không tham gia hiệp định này.

nha-may-samsung-bac-ninh.jpg
Samsung chuyển nhà máy sản xuất điện thoại từ Trung Quốc sang Bắc Ninh, Việt Nam (Ảnh: KT)

Trên thực tế, thu hút vốn FDI ròng của Trung Quốc đã liên tục sụt giảm kể từ năm 2008 trở lại đây (năm 2013 chỉ đạt 27,4 tỉ đô la Mỹ so với mức bình quân 55 tỉ đô la Mỹ của giai đoạn 2008-2012). Trong khi ở Việt Nam, dòng vốn FDI có sự khởi sắc, đặc biệt trong năm 2013 với mức tăng trưởng vốn đăng ký lên tới 54% so với cùng kỳ năm 2012. Xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong năm 2014.

Có thể thấy, từ đầu năm 2014 đến nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam như Tập đoàn Samsung chuyển các nhà máy sản xuất điện thoại, Công ty Jetro Nhật Bản chuyên sản xuất máy in, máy photocopy và các thiết bị đa chức năng và Nhà máy sản xuất vũ khí của Israel,… Điều này cho thấy sự thụt lùi trong môi trường đầu tư tại Trung Quốc sẽ tác động tích cực đến Việt Nam (với môi trường đầu tư ổn định và có nhiều tiềm năng).

Tuy nhiên, sự suy giảm trong kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ khiến Việt Nam gặp không ít thách thức. Cụ thể, đối với lĩnh vực thương mại, tăng trưởng ngoại thương Trung Quốc vẫn chưa phục hồi kể từ năm 2010 do sự giảm cầu tại 2 thị trường lớn là EU và Mỹ sau những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Số liệu thống kê sơ bộ công bố cuối tháng 2 của Vụ Thống kê thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy kim ngạch xuất khẩu của quốc gia bất ngờ giảm 18,1% khối lượng xuất khẩu trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, tụt xuống chỉ còn ở mức 114,1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Trung Quốc mới đây đã điều chỉnh biên độ giao dịch tỷ giá, nâng lên gấp đôi so với mức trước đây, từ ± 1% lên 2%. TS Lê Đăng Doanh nhận định: “Chính sách điều chỉnh tỷ giá này của Trung Quốc tôi cho rằng là một bước tiến trong chính sách của họ. Bước tiền này dựa trên cơ sở dự trữ ngoại tệ rất cao, ở mức 3.800 tỷ USD, do đó họ sẵn sàng giảm giá ngoại tệ để thúc đấy xuất khẩu. Nhân dân tệ giảm sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng do gặp phải sự cạnh tranh lớn từ Trung Quốc.”

Một mặt, các mặt hàng xuất khẩu của chúng ta sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc xuất sang thị trường Mỹ và EU như dệt may, da giày, đồ gỗ... Mặc khác, các mặt hàng tiêu dùng giá rẻ của Trung Quốc sẽ có thêm cơ hội tràn vào thị trường Việt Nam, khiến thâm hụt thương mại với Trung Quốc có nguy cơ ngày càng mở rộng.

Đối với hoạt động sản xuất, sau khi PMI và sản xuất công nghiệp phục hồi từ nửa cuối năm 2012, PMI trong năm 2013 của Trung Quốc mặc dù trên ngưỡng mở rộng sản xuất 50 điểm song vẫn ở mức thấp nhất trong 8 năm qua.

Điều này cho thấy những vấn đề trong hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc, đặc biệt là sự suy giảm cầu trong và ngoài nước; đồng thời một số ngành sản xuất hiện dư thừa sản lượng do sản xuất vượt quá sản lượng tiềm năng. Điều này khiến chính phủ Trung Quốc phải đưa ra các chính sách nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất dư thừa khiến lượng tồn kho cao.

Thị trường thép Việt Nam gặp nhiều cạnh tranh từ thép Trung Quốc (Ảnh: KT)

Việc sản lượng công nghiệp của Trung Quốc ở mức tồn kho cao sẽ khiến quốc gia này thúc đẩy xuất khẩu sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Thời gian qua, ngoài vấn đề tiêu thụ chậm, lãi suất cao thì DN thép Việt Nam đang chịu sức ép từ sản phẩm nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc, bởi sản phẩm nhập khẩu có lợi thế về lãi suất, thuế, trợ giá. Khi vào thị trường VN, giá thép cuộn của họ rẻ hớn thép trong nước hơn 1 triệu đồng/tấn. DN VN rất khó cạnh tranh ngay trong thị trường nội địa.

Đặc biệt, áp lực từ thị trường thép Trung Quốc với năng lực sản xuất dư thừa và đang áp dụng những chính sách khuyến khích xuất khẩu sang các nước trong đó có Việt Nam.

Trong năm 2013, nước này đã xuất khẩu 61,5 triệu tấn thép, trong đó xuất khẩu sang các nước ASEAN khoảng 15 triệu tấn, nhiều hơn tổng tiêu thụ của Việt Nam hiện tại.Thép Trung Quốc tại Việt Nam đang có giá rẻ hơn thép của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra bởi các doanh nghiệp thép Trung Quốc được hưởng lãi vay rất thấp chỉ 5% bằng 1/3 lãi suất các doanh nghiệp thép Việt Nam đang chịu, hơn nữa sản xuất với sản lượng lớn, chính vì vậy mà họ có lợi thế lớn về giá./.