Ngân hàng HSBC vừa công bố nghiên cứu dự báo về kết nối giao thương Việt Nam.

Theo HSBC, điều kiện giao thương đang được cải thiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi hơn một nửa các doanh nghiệp tham gia khảo sát kỳ vọng khối lượng giao thương tăng trong 6 tháng tới. Chính lực cầu cao từ Mỹ và Châu Âu đã thúc đẩy xu hướng này. HSBC kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian ngắn sắp tới.

Hàng may mặc, quần áo xuất khẩu lớn nhất

HSBC dự báo rằng, thu nhập tăng tại các thị trường mới nổi sẽ giúp thúc đẩy thương mại từ Việt Nam đến các thị trường này. Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào năm 2030 và Malaysia sẽ từ vị trí thứ 5 năm 2012 lên vị trí thứ 3 năm 2030 trong bảng các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

contymay_baobinhduong.jpg
Hàng dệt may được dự báo sẽ tiếp tục là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam cho tới năm 2030

Cùng với đó, may mặc và quần áo vẫn là ngành hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ nay tới năm 2030, phản ánh giá nhân công  ổn định và cạnh tranh. Tuy nhiên xuất khẩu các thiết bị công nghệ tin học và viễn thông được dự báo sẽ tăng 10% mỗi năm cho đến năm 2030 và vào thời điểm đó ngành công nghệ tin học và viễn thông sẽ là ngành hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

HSBC cũng đánh giá giao thương của Việt Nam ngày càng trở nên quốc tế hóa hơn với 10% các doanh nghiệp giao thương với khu vực Trung Đông và Mỹ Latinh so với con số 5% trong cuộc khảo sát đầu tiên thực hiện vào năm 2009.

Các công ty Việt Nam cũng được định vị khá tốt để hưởng lợi từ sự cải thiện của nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đang xây dựng kinh nghiệm chuyên môn trong khu vực các ngành công nghiệp giá trị cao như truyền thông di động. Mức thu nhập tại Việt Nam được trông đợi sẽ tiếp tục tăng, thúc đẩy tiêu dùng và tạo nhiều cơ hội kinh doanh cho các công ty kinh doanh hàng tiêu dung.

Ông James Emmet, Giám đốc toàn cầu Khối dịch vụ thanh toán quốc tế và Tài trợ thương mại ngân hàng HSBC cho biết: “Dù có sự trái ngược về con số dự báo trong gắn hạn nhưng xu hướng dài hạn tại các thị trường mới nổi vẫn thể hiện tăng trưởng. Vì thế các doanh nghiệp cần cân nhắc làm cách nào để tận dụng được tốt nhất cơ hội giao thương trong dài hạn. Một trong những yếu tố quan trọng để nắm bắt được tốt nhất cơ hội giao thương trong dài hạn là đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Điều này sẽ giúp các thị trường mới nổi mở rộng hiện diện trong chuỗi cung ứng hàng hóa giá trị cao của thế giới. Điều quan trọng nhất là các quốc gia đã phát triển cần phải tăng cường chi tiêu vào nghiên cứu và phát triển để duy trì thế cạnh tranh”.

Công nghiệp sẽ dần chuyển qua hàng hóa giá trị cao

HSBC cũng lưu ý, khi mức thu nhập  tăng và Việt Nam ngày càng củng cố rõ vị trí trong giao thương ngành công nghệ thông tin và viễn thông toàn cầu, sản xuất công nghiệp sẽ dần chuyển qua hàng hóa giá trị cao. Việc chuyển đổi này sẽ thúc đẩy tăng trưởng về dài hạn cùa đất nước nhưng ngành công nghiệp may mặc và quần áo vẫn sẽ tiếp tục là thế mạnh cạnh tranh của Việt Nam trong một thời gian nữa.

Đáng chú ý nữa, công nghệ rất thiết yếu cho việc duy trì và cải thiện chất lượng cuộc sống, phát triển đầu tư kinh doanh và hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế. Bởi thực tế 10 năm qua, Việt Nam đã phát triển đáng kể sự hiện diện trong ngành công nghệ thông tin. Điều này góp phần hỗ trợ sự phát triển công nghiệp nhanh chóng của quốc gia, và gia tăng mức lương cũng như sức tiêu thụ.

Những thuận lợi trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông đã thúc đẩy tăng trưởng qua việc giải phóng nền kinh tế ra khỏi những khó khăn do thiếu thốn cơ sở hạ tầng. Tỉ lệ sở hữu điện thoại di động hiện hơn 100%  tại Việt Nam, mở thêm kênh tiếp cận các thị trường tài chính. Gần một nửa dân số Việt Nam hiện nay sử dụng internet, tăng lên từ mức 2% 10 năm trước.

Hơn nữa, sản phẩm công nghệ cao chiếm gần 20% tổng xuất khẩu trong năm 2013 và Việt Nam cũng là một trong những nước nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao tăng nhanh. Việt Nam nhập cả những sản phẩm công nghệ cao hoàn thiện cho thị trường tiêu dùng đang tăng mạnh và các sản phẩm bán hoàn thiện sử dụng trong sản xuất các sản phẩm công nghệ cao để tái xuất khẩu./.