Số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vừa công bố hôm nay (15/7) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế Trung Quốc tăng 2,5% so với cùng kỳ, đạt gần 56,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ (8,3 nghìn tỷ USD).

Trong đó, riêng quý II, thời điểm nước này phải đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng với trung tâm kinh tế Thượng Hải bị phong tỏa 2 tháng, Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Trung Quốc chỉ tăng 0,4%, thấp hơn dự báo và là tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ sau mức sụt giảm mạnh 6,9% trong quý đầu tiên của năm 2020 khi đại dịch bùng phát tại Vũ Hán.

Cũng trong quý II, đã có 5/31 tỉnh, thành ở Trung Quốc kinh tế tăng trưởng giảm sút, trong đó Thượng Hải giảm mạnh nhất với 13,7%, Cát Lâm giảm 4,5% và Bắc Kinh giảm 2,9%.

Mặc dù đầu tư tài sản cố định quốc gia của Trung Quốc (không bao gồm các hộ gia đình nông thôn) trong 6 tháng đầu năm tăng 6,1%, nhưng đầu tư phát triển bất động sản lại giảm 5,4%. Diện tích nhà ở thương mại được bán ra trên cả nước giảm 22,2%, trong khi doanh số bán nhà giảm 28,9%.

Tuy vậy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc khi chỉ tăng 1,7% trong 6 tháng đầu năm và 2,3% trong quý II, trong bối cảnh con số này ở nhiều nước Âu, Mỹ lên tới 8% - 9%.

Người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Phó Lăng Huy thừa nhận, sức ép đi xuống của nền kinh tế nước này trong quý II đã tăng lên rõ rệt do “môi trường quốc tế ngày càng phức tạp, gay gắt và dịch bệnh trong nước thường xuyên bùng phát lẻ tẻ”.

Nhận định về tình hình 6 tháng cuối năm, ông Phó Lăng Huy cho rằng, nguy cơ lạm phát đình trệ của nền kinh tế thế giới đang tăng lên, chính sách của các nền kinh tế chủ chốt có xu hướng thắt chặt hơn. Các yếu tố không ổn định không xác định ở bên ngoài gia tăng đáng kể, tác động của dịch bệnh trong nước vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn. Nhu cầu thu hẹp và cú sốc cung cầu đan xen, mâu thuẫn cấu trúc và các vấn đề mang tính chu kỳ chồng chất, kinh doanh của các chủ thể thị trường vẫn tương đối khó khăn, nền tảng cho sự phục hồi bền vững của nền kinh tế vẫn chưa vững chắc.

Mặc dù kinh tế tăng trưởng chậm lại rõ rệt trong quý II, nhưng dữ liệu kinh tế tháng 6 của Trung Quốc đã bắt đầu cho thấy sự phục hồi. Trong khi nhiều tổ chức quốc tế dự đoán nền kinh tế thứ 2 thế giới khó có thể đạt được mục tiêu tăng khoảng 5,5% đề ra hồi đầu năm, Bắc Kinh vẫn tin tưởng vào tiềm lực, khả năng chống chịu, phục hồi và cải thiện nền kinh tế của mình.

Trong một tuyên bố mới đây với truyền thông, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Ngụy Kiến Quốc nhận định, nước này thậm chí có thể đạt mức tăng trưởng từ 5,5% - 6% trong năm nay./