Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” đã được triển khai thực hiện qua 20 năm. Việc thống nhất nhận thức và quan điểm phát triển đã tạo tâm lý xã hội đồng thuận cho kinh tế tập thể (KTTT) và các hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng.

KTTT phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế

Tại Hội nghị tuyên truyền phát triển KTTT, HTX trong giai đoạn mới do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp tổ chức chiều 8/11 tại Hà Nội, ông Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương nhận xét, môi trường thể chế và các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển KTTT mà nòng cốt là HTX đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Thành phần KTTT từng bước được đổi mới, tư duy HTX kiểu cũ dần được xóa bỏ, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài, HTX phát triển về số lượng, đa dạng về hình thức, lĩnh vực hoạt động, phù hợp với vận hành của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

“Khu vực HTX ngày càng khẳng định là một lực lượng quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng lực giai cấp nông dân, xây dựng nông thôn mới; góp phần ổn định chính trị, xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa, bảo vệ môi trường, củng cố tinh thần hợp tác, đoàn kết trong cộng đồng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi”, ông Giang khẳng định.

Tuy nhiên theo ông Giang, tình hình hoạt động, phát triển KTTT đến nay vẫn còn nhiều hạn chế và một số yếu kém của mô hình HTX kiểu cũ vẫn chưa được khắc phục triệt để. KTTT phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX hiệu quả còn thấp, chưa đồng bộ, chưa nhất quán, chưa toàn diện, chậm triển khai thực hiện, chưa có tính khả thi cao và chưa tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển.

“Một số mục tiêu của Nghị quyết số 13/NQ-TW Trung ương đề ra là đưa KTTT thoát khỏi tình trạng yếu kém, đạt tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, có tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP của nền kinh tế đến nay vẫn chưa thực hiện được. KTTT cùng với kinh tế nhà nước chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế, chưa thể hiện rõ vai trò, phương thức, con đường đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn”, ông Giang nêu rõ.

Khẳng định khu vực KTTT, HTX phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Song theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, sự phục hồi và phát triển của HTX ở các địa phương chưa đồng đều; một số HTX bị thua lỗ, giảm sản lượng và quy mô; nhiều HTX chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, chưa chú trọng liên kết chuỗi giá trị, chưa huy động được nguồn lực để đầu tư ứng dụng công nghệ cao; tỷ lệ lớn sản phẩm tiêu thụ chưa có truy xuất nguồn gốc, chưa đạt chất lượng.

Đặc biệt, các HTX gặp khó khăn về vốn, thiết bị lạc hậu, nhiều HTX sản xuất nhỏ lẻ, chưa gắn với nhu cầu của thị trường; thiếu nhân lực quản trị và lao động đã qua đào tạo; chậm tiếp cận với khoa học công nghệ cũng như các phương thức kinh doanh mới.

“Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do quy mô HTX, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu vốn và các nguồn lực khác để nâng cao năng lực quản trị và thực hiện chuyển đổi số; Nhận thức của một số Bộ, ngành và địa phương chưa đầy đủ vị trí, vai trò và tính tất yếu khách quan của phát triển KTTT, HTX nên chưa thực sự quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ. Các cơ chế và chính sách hỗ trợ phát triển của Nhà nước chưa đồng bộ, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của HTX (chính sách tín dụng, thuế, phí và lệ phí, đầu tư cơ sở hạ tầng...), nhiều chính sách chưa quy định đối tượng thụ hưởng là HTX như chính sách tăng trưởng xanh, tăng trưởng tuần hoàn, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo...”, ông Bảo chỉ ra.

Tăng chuyển đổi số gắn với thông tin tuyên truyền

Để khắc phục những tồn tại và hạn chế, tiếp tục đưa KTTT cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng của nền kinh tế, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam kiến nghị, thời gian tới cần tăng cường chuyển đổi số cho các HTX theo ngành, lĩnh vực. Cùng với đó tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công nghệ số, kinh tế số và chuyển đổi số; hỗ trợ đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin, kiến thức và các kỹ năng chuyển đổi số, giải pháp chuyển đổi số đối với các loại hình HTX.

Đại diện Liên minh HTX Việt Nam cũng đề nghị bổ sung, sửa đổi Luật HTX năm 2012 với nhiều nội dung, trong đó có việc chỉnh sửa quy định về việc kết nạp thành viên theo hướng tạo điều kiện tối đa cho mọi cá nhân, tổ chức có nguyện vọng, tự nguyện tham gia vào HTX, liên hiệp HTX…

Để tiếp tục phát huy vai trò của báo chí trong quá trình phát triển và nâng cao hiệu quả kinh KTTT, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, báo chí sẽ luôn đồng hành trở thành 1 trong những kênh thông tin hữu hiệu nhất trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, là cầu nối giữa HTX, DN và người tiêu dùng. Giúp người dân, HTX và DN tìm đến với nhau qua đó triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thông qua việc giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra.

“Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế rộng rãi, tham gia sâu vào các diễn đàn kinh tế đa phương, các hiệp định thương mại toàn cầu, báo chí có vai trò nổi bật trong việc cung cấp thông tin thị trường thế giới, làm rõ các vấn đề luật pháp quốc tế, phân tích ưu nhược điểm của các hiệp định thương mại, kết nối cung cầu, thúc đẩy xuất khẩu, giúp hàng hóa của hợp tác xã làm ra tiếp cận được các thị trường lớn. Nhờ thông tin báo chí, nhiều HTX đã bước đầu tận dụng được EVFTA và các FTA khác, mở ra con đường đưa sản phẩm Việt Nam đến EU và nhiều thị trường quan trọng của thế giới”, ông Minh khẳng định./.