Tăng trưởng kinh tế của Nga trong quý I/2014 có thể ở mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009 tới nay do quốc gia này liên tục phải chịu các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và các nước đồng minh. Điều này đã khiến các nhà đầu tư ngày càng thoái lui khỏi thị trường này kể từ đầu năm nay.

idi7iregore8.jpg

Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế Bloomberg, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I của Nga đạt 0,7%; thấp hơn mức tăng 2% trong quý IV/2013. Bộ Kinh tế Nga cho biết, sản lượng sản xuất trong quý I cũng chỉ tăng 0,8%.

Trước đó, Mỹ và Liên minh châu Âu đã đáp trả lại hành động sáp nhập Crimea của Nga thông qua các lệnh trừng phạt đối với cá nhân và các công ty Nga; đồng thời cảnh báo sẽ áp đặt thêm các biện pháp tăng cường nếu Nga làm gián đoạn cuộc bầu cử tổng thống tại Ukraine vào ngày 25/5 tới.

“Tác động chính của sự suy thoái kinh tế Nga là sự sụt giảm trong đầu tư. Điểm yếu của lĩnh vực đầu tư Nga là từ sự kết hợp giữa chi phí cho vay cao và sự bất ổn trong chính trị cũng như nền kinh tế. Các lệnh trừng phạt của phương Tây thời gian gần đây cũng càng khiến các nhà đầu tư e ngại với thị trường Nga”, Vladimir Osakovskiy, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng America Corp. có trụ sở tại Moscow nhận định.

Chỉ tính riêng trong quý I năm nay, dòng vốn bị rút khỏi thị trường Nga đã lên tới 50,6 tỷ USD, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguy cơ từ các lệnh trừng phạt ngày càng gây sức ép lên nền kinh tế. “Rõ ràng đây là một vấn đề khá nghiêm trọng, chúng tôi đã bị mất 4,2% trong đầu tư tài sản cố định chỉ trong quý I năm nay”, Bộ trưởng  Bộ Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cho biết hôm 13/5.

Đồng Rúp đã mất giá 5% so với đồng USD trong năm nay và là đồng tiền có biểu hiện xấu thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau đồng Peso của Argentina, trong số 24 đồng tiền được Bloomberg theo dõi. Chỉ số chứng khoán Micex Index cũng giảm 7,6% trong cùng kỳ, so với mức tăng 3% của chỉ số chứng khoán tổng quan của thị trường mới nổi MSCI.

Ngân hàng Trung ương Nga đã nâng lãi suất cơ bản thêm 2 điểm phần trăm kể từ tháng 3. Ngân hàng này cũng can thiệp vào thị trường ngoại tệ nhằm ngăn chặn “vòng xoáy giảm giá đồng nội tệ”. Ủy bạn tiền tệ Nga cũng đã bán ra 22,3 tỷ USD và 2,3 tỷ euro (tương đương 3,2 tỷ USD) trong tháng 3 để cứu đồng nội tệ.

Theo Bộ trưởng Ulyukayev, Nga có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế về mặt kỹ thuật khi sản lượng đầu ra của quốc gia sụt giảm. Tăng trưởng kinh tế có nguy cơ chững lại hoặc thậm chí giảm 0,1% trong quý II so với quý trước. /.