Từ 15h ngày 3/9, giá xăng RON 92 giảm 1.200 đồng/lít, giá dầu diesel giảm 111 đồng/lít… Như vậy, trong vòng hơn một tháng qua, giá xăng đã giảm ba lần liên tiếp với mức 2.770 đồng/lít. Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, vận tải hành khách, kinh doanh taxi tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có kế hoạch giảm giá.

Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay có 7 lần giảm giá xăng với tổng giá giảm là 5.588 đồng/lít và kèm theo đó 4 lần tăng với tổng giá tăng là 5.040 đồng/lít (mức chênh lệch khoảng 548 đồng mỗi lít) nên các doanh nghiệp taxi cũng có điều chỉnh, giảm giá. Trong lần giảm giá này, khi mức giá xăng còn 17.338 đồng/lít, các doanh nghiệp taxi tính toán sẽ giảm khoảng 500 đồng/km, tương đương với khoảng 3%.

taxi_copy_xagd.jpg
Taxi sẽ giảm giá trong những ngày tới.

Theo qui định, sau khi họp bàn với các doanh nghiệp, ngày mai (5/9), Hiệp hội sẽ làm các thủ tục giảm giá và dự kiến khoảng 8/9, giá cước taxi tại TP HCM sẽ chính thức giảm.

Ông Hỷ cho biết, xăng dầu với taxi chiếm tỷ trọng ít hơn so với các lĩnh vực vận tải khác. Cho nên khi mức xăng ngày 12/5 là 19.230 đồng/lít  thì các doanh nghiệp tăng 500 đồng/km. Hiện nay xăng dầu ở mức 17.330 đồng/lít thì giảm xuống 500 đồng/km là phù hợp.

Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM lại cho rằng, lần giảm giá xăng dầu này chủ yếu là ở giá xăng, trong khi đó giá dầu diesel chỉ giảm 111 đồng/lít, tỷ lệ chưa tới 1% nên sẽ ít tác động tới các doanh nghiệp vận tải hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, sáng 4/9, Hiệp hội đã họp với một số chi hội vận tải, từng doanh nghiệp vận tải và cũng có phương án giảm cước vận tải, dù chắc chắn là không nhiều.

Đặc thù của vận tải hàng hóa là mức giá mỗi lúc khác nhau, tuyến đường, phương tiện, mức thỏa thuận hợp đồng giữa chủ hàng và doanh nghiệp vận tải trong từng lô hàng… Vì thế, mức giảm của từng doanh nghiệp sẽ khác nhau, ông Chánh nói.

Người dân quan tâm đến cước phí khi xăng giảm.

Cũng trong sáng nay, có một số doanh nghiệp vận tải hàng hóa lớn trong Hiệp hội thực hiện việc giảm giá này trên một số đơn hàng với mức giảm khoảng 1-2% tùy theo đơn hàng cụ thể.

Giá xăng dầu giảm thì yếu tố người dân quan tâm nhiều nhất chính là giá cước vận tải hành khách. Sáng 4/9, tại Bến xe miền Tây đã có hai doanh nghiệp vận tải hành khách công bố giảm giá cước là Kim Hoàng và Thanh Thủy với mức giảm từ 10-15%.

Theo ông Trần Văn Phương, Phó tổng giám đốc Bến xe miền Tây, việc giá xăng dầu giảm thì chắc chắc các doanh nghiệp vận tải cũng sẽ giảm giá cước, tuy nhiên sẽ có độ trễ nhất định bởi các khâu về thủ tục, hồ sơ đăng kí…

Bến xe chỉ thông báo, chuyển tải thông tin đến các doanh nghiệp vận tải trong bến việc giảm giá và các qui định của Bộ Giao thông, Bộ Tài chính để doanh nghiệp có hướng giảm giá phù hợp chứ không can thiệp, ông Phương cho hay.

Theo TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp vận tải vẫn chỉ đối phó khi mức giá xăng dầu giảm. Đã nhiều lần giá xăng dầu giảm, nhưng các doanh nghiệp chỉ giảm theo kiểu nhỏ giọt.

Bộ Giao thông, Bộ Tài chính và sở, ngành chức năng cũng thanh tra, kiểm tra nhưng cũng không hiệu quả. Lý do là bởi giá cước vận tải không phải là giá cước nằm trong nhóm giá mà Nhà nước kiểm soát, quản lý. Điều đó dẫn đến doanh nghiệp đối phó khi giá xăng dầu giảm bằng cách kê các loại chi phí khác lên cao hơn như: tiền lương, tiền công… nhiều khi dẫn đến hình thành các mối quan hệ tiêu cực khác, TS. Sanh nói.

Theo vị tiến sĩ này, khi chưa chuyển qua kinh tế thị trường rõ ràng, những doanh nghiệp vận tải chưa hình thành ra ý thức đạo đức nghề nghiệp, vai trò của các hiệp hội còn chưa cao thì Nhà nước cần phải can thiệp để kiểm soát giá chặt chẽ hơn cho đến khi nào ý thức các doanh nghiệp được nâng cao.

Trước tình hình giá xăng dầu tăng, giảm thường xuyên như hiện nay, Nhà nước và các cơ quan quản lý cần siết chặt việc quản lý giá cước vận tải để đảm bảo yếu tố công bằng và quyền lợi cho người tiêu dùng./.