Từ một bài báo giới thiệu kỹ thuật trồng và chăm sóc giống táo Xuân 21, ông Vũ Ngọc Nhân (SN 1949, trú tại xóm Đá Gân, xã Đồng Liên, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) đã cất công xuống Viện Nghiên cứu rau quả tìm mua 5 cây táo giống về trồng.

Đến nay, với tài sản gần 1.000 gốc táo sinh trưởng mạnh mẽ trên mảnh đất ven dòng sông Cầu, ông Nhân có thu nhập, trở thành một trong những “vua làm vườn” của Thái Nguyên.

tao_pazh.jpg
Vườn táo của nhà vườn Vũ Ngọc Nhân được đầu tư bài bản, khoa học, đặc biệt là hệ thống mương cấp, thoát nước.
Hơn 10 năm qua, ông Vũ Ngọc Nhân liên tục được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, của Thủ tướng Chính phủ về thành tích sản xuất giỏi. Với kỹ thuật ghép cây giống, ông vừa được công nhận là nông dân sáng tạo của tỉnh Thái Nguyên.

Vị ngọt trên đất phù sa

Trước khi đến với nghề làm vườn, cũng như bao gia đình ở xóm Đá Gân, xã Đồng Liên, ông Vũ Ngọc Nhân là cư dân của "vùng lụt", toàn bộ vốn liếng ban đầu gồm gần một mẫu đất trũng đất bãi ven sông Cầu.

Ông Nhân nhớ lại: "Bản thân tôi thì sức khỏe yếu, việc đồng áng phó mặc cho vợ yếu, con thơ, quanh năm thiếu đói. “Đói thì đầu gối phải bò”, nên tôi luôn nung nấu ý định tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Cuối năm 1993, huyện Phú Bình thành lập Hội Làm vườn, tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập mô hình trồng cây ăn quả ở Bắc Giang, Hưng Yên.

Tôi phấn khởi lắm, về bắt tay ngay vào trồng cây vải theo trào lưu. Nhớ các địa chỉ từng tham quan, tôi quay lại các vườn để xin học nghề chiết cành, ươm cây giống và nhân thể xin cây giống về trồng.

Để khởi nghiệp với 7 cây vải đầu tiên, cả gia đình đã phải "tổng động viên" gánh đất bãi về đổ tôn nền đất vườn, mỗi gốc cây phải đổ đến vài chục gánh đất mới trồng được.

Túc tắc vừa làm vừa mày mò, tôi có khoản thu đầu tiên từ tiền bán cây giống vải, rồi dần chuyển sang làm thêm một số loại giống cây khác. Nhưng cũng phải đến năm 2001, cây táo Xuân 21 mới thực sự là "thần tài", giúp gia đình tôi đổi đời".

Bắt đầu từ một bài báo giới thiệu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây táo Xuân 21 cho hiệu quả kinh tế cao vô tình đọc được, ông Nhân đã nghiền ngẫm rồi tự tìm đường xuống tận Viện Nghiên cứu rau quả, nơi có giống táo Xuân 21 mới lai tạo để tìm hiểu kỹ lưỡng về loại cây này.

Sau khi trao đổi với các chuyên gia, được khẳng định cây táo Xuân 21 dễ trồng, hợp đất phù sa ven sông như diện tích gia đình đang canh tác, ông tràn đầy niềm hy vọng, quyết định bỏ tiền mua 5 cây về trồng thử. Vốn đã quen kỹ thuật chăm sóc nhiều loại cây trước đó như vải, nhãn, mơ…, ông Nhân càng đầu tư nhiều công sức vào cây táo xuân.

Đúng như lời giới thiệu, cây táo Xuân 21 tỏ ra phù hợp với điều kiện địa hình thấp, úng lụt, sinh trưởng rất nhanh, ngay vụ đầu đã sai trĩu quả.

Cầm trên tay những quả táo đầu mùa căng ngọt, ông Nhân nhanh chóng nhận thấy tiềm năng kinh tế của loại cây này. Cũng ngay năm đầu, ông thu được khoảng 1 tạ quả, bán rất dễ bởi hình thức quả to, màu sáng đẹp, vị ngọt đậm và giòn, khác hẳn với các giống táo đang trồng tại địa phương. Đặc biệt là táo chín đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên càng dễ tiêu thụ.

Hơn mười năm nay, hàng năm gia đình ông đều dành tiền lãi từ bán hoa quả để mua thêm đất bãi, đầu tư phát triển cây táo Xuân 21. Đến nay, gia đình đã có khoảng 3 ha cây ăn quả, trong đó có gần 1.000 gốc táo, mỗi năm cho thu hàng trăm triệu đồng từ bán quả và cây giống.

Căn cơ hướng tới cộng đồng

Từ thành công của mô hình làm vườn cây ăn quả của ông Vũ Ngọc Nhân, nhiều gia đình đã học tập và nhanh chóng thoát nghèo. Đây là một sự chuyển đổi rất mạnh dạn của địa phương thuần nông vốn nổi tiếng với "lúa, lang, lạc, lợn", người dân chỉ biết trồng các loại cây lương thực và rau màu.

Nói về trồng và chăm sóc táo Xuân 21, ông Nhân tâm sự: "Tôi không được đào tạo qua trường lớp, toàn tự học là chính nên luôn tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật theo hướng dẫn từ sách, báo và các chương trình khuyến nông.

Đối với cây táo cũng vậy, tôi quy hoạch diện tích cho từng giống táo, từng mục đích khai thác, như táo Xuân 21 lấy quả riêng một khu, táo Đại một khu, táo trồng lấy mắt ghép một khu khác, nhằm tránh bị tạp giao hoặc lẫn giống, ảnh hưởng tới chất lượng cây trồng.

Chăm sóc cây táo rất dễ, ít phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, chúng tôi không phun thuốc trong thời điểm táo gần đến ngày được thu hái. Thậm chí táo đầu mùa rất hiếm, bán được giá nhưng gia đình cũng không muốn bán vì khi đó táo còn xanh, chưa đạt chất lượng tốt".

Táo quả của gia đình ông Nhân được thương lái đặt bao tiêu toàn bộ tại vườn, giá đầu mùa khoảng 25 nghìn đồng/kg, giữa mùa cũng ổn định ở mức trên dưới 20 nghìn đồng. Táo rất dễ thu hái do được trồng hàng cách hàng 4m, cây cách cây 2,5m.

Ông cho biết nếu chăm sóc tốt, quả táo to, mọng, đạt trọng lượng tới 10 quả/kg, từ khi táo đậu quả đến lúc thu hoạch hầu như ngày nào cũng phải tưới nước để giữ độ ẩm cho đất. Vì vậy, gia đình đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống mương máng bao quanh, hệ thống tưới tự động và nhiều loại máy móc thiết bị.

Nhờ luôn đảm bảo chất lượng, sản phẩm đầu ra không phải lo tiêu thụ nên chỉ với 2 lao động chính của gia đình, từ mô hình trồng trọt này, hàng năm ông Nhân thu trên 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông cũng tạo công ăn việc làm cho 7 đến 15 lao động là con em trong xã có thu nhập ổn định. Trực tiếp thực hiện những công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao, ông Nhân luôn chân thành chỉ bảo, dạy nghề cho bà con có nhu cầu. Cây táo giống chủ yếu ghép mắt táo Xuân 21 trên gốc táo ta. Từ khi gieo hạt đến khoảng 6 tháng là cây có thể ghép được, sau khi ghép 2 - 3 tháng là có thể mang trồng, táo cho thu hái ngay trong năm đầu tiên.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Liên khẳng định, với cách trồng, chăm sóc và thu hái như tại vườn của gia đình ông Vũ Ngọc Nhân và các vườn trên địa bàn xã thì táo Xuân 21 là loại quả "siêu sạch" không chỉ ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe.

Ông Nguyễn Văn Hữu đánh giá: "Hàng năm ông Nhân sản xuất và cung cấp khoảng 10 vạn cây giống các loại, chất lượng đảm bảo, giá bán lại rẻ hơn so với các nơi khác từ 10 - 15%. Chỉ nói riêng về cây táo Xuân 21, cả xã có trên 25 hộ nhờ ông Nhân giúp đỡ về cây giống và kỹ thuật. Thu nhập từ cây táo lên tới 15 triệu đồng/sào đã giúp nhiều hộ trở nên khá giả. Chính vì thế mà ông rất có uy tín với bà con, nhất là trong việc vận động sản xuất sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe nhân dân đồng thời khẳng định thương hiệu của nhà vườn".

Đến nay, có gần 20 hộ được ông Nhân cho vay vốn sản xuất không tính lãi; gần 100 hộ được hướng dẫn kinh nghiệm trồng cây ăn quả và làm cây giống. Đáng quý nhất là ông đã hiến 2.000 m2 đất làm đường giao thông và nhà văn hóa xóm, tặng 2 vườn cây tình nghĩa cho hộ chính sách./.