Khai hội mua sắm trực tuyến
Lãnh đạo Bộ Công Thương cùng CEO của hàng chục doanh nghiệp vừa bấm nút phát động Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday 2015), sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất hàng năm, diễn ra trong 24 giờ ngày 4/12.
Hơn 60.000 sản phẩm, dịch vụ khuyến mãi đến từ khoảng 2.000 doanh nghiệp mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam cơ hội mua sắm trực tuyến lớn chưa từng có trên website OnlineFriday.vn. Sản phẩm khuyến mại “khủng” nhất bao gồm: hàng công nghệ, thời trang, mỹ phẩm và đồ gia dụng…
Phát động Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday. |
Ban tổ chức cho biết, Ngày mua sắm trực tuyến năm nay chú trọng đến việc giúp người tiêu dùng chọn lựa được những khuyến mãi thực sự tốt, thông qua các công cụ so sánh giá sản phẩm với giá thị trường.
Các doanh nghiệp cũng chuẩn bị sẵn sàng những khuyến mại siêu khủng trong OnlineFriday năm nay, như bán sản phẩm hot với giá siêu rẻ trong giờ vàng, tặng kèm sản phẩm giá trị khi mua sắm, giảm giá trực tiếp theo tổng giá trị đơn hàng...
Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday 2015 nằm trong Chương trình phát triển Thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2014-2020. Chương trình do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cùng Hiệp hội Thương mại điện tử và Báo điện tử VnExpress tổ chức vào thứ Sáu đầu tiên của tháng 12.
Ban tổ chức hy vọng chương trình Online Friday năm nay mang lại tổng doanh số giao dịch khoảng 25 triệu USD (khoảng 500 tỷ đồng) trong ngày 4/12, cao gấp 3 lần năm ngoái.
Ngoài các nhãn hàng thời trang xa xỉ, nhiều thương hiệu nội địa và các kênh bán hàng trực tuyến đều rầm rộ tung chương trình ưu đãi theo trào lưu Black Friday (Thứ Sáu đen tối) của Mỹ.
Nhiều chương trình giảm giá “sốc” được tung ra thị trường. |
Thời điểm này, các trung tâm thương mại lớn của Hà Nội như: Vincom, The Garden, Parkson... đều treo băng rôn, cờ phướn thông báo chương trình ưu đãi từ các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới để thu hút khách hàng.
Tại các trung tâm thương mại, ngoài chính sách giảm giá 20-50%, nhiều hãng áp dụng bán đồng giá, hoặc mua một tặng một...
Nhằm thay đổi suy nghĩ của người dân về hàng khuyến mại, giá rẻ chủ yếu là hàng tồn kho, hết size, năm nay rất nhiều thương hiệu sẵn sàng áp dụng các mức giá, chính sách cho toàn bộ sản phẩm có trên kệ.
Người tiêu dùng vẫn thờ ơ
Dù các doanh nghiệp và nhà phân phối liên tục tung các chiêu siêu khuyến mại, tặng quà và gia tăng dịch vụ chăm sóc khách hàng, người tiêu dùng Việt vẫn tỏ ra không mấy mặn mà, sa đà vào mua sắm.
Sự thật là có những hiện tượng đáng buồn như một số đơn vị bán hàng theo kiểu “tăng giá thật, giảm giá ảo”, sản phẩm có khi được “thổi giá” lên gấp đôi, sau đó đơn vị có giảm giá tới 70% thì người tiêu dùng vẫn bị thiệt tới 30%.
Chưa kể thông tin về sản phẩm thiếu chính xác, sản phẩm khách hàng nhận được không giống với quảng cáo, số lượng sản phẩm không nhiều, chỉ sau vài phút đã báo hết hàng,...
Tất cả những vấn đề kể trên đã khiến việc mua sắm trong chương trình Online Friday mất niềm tin từ người tiêu dùng và không đạt được mục tiêu chính của Bộ Công thương là biến thành sự kiện hằng năm có quy mô, uy tín, giúp người Việt hiểu hơn về ngành thương mại điện tử.
Sở dĩ ở các nước có ngày lễ mua sắm vào dịp cuối năm này do các nhà bán lẻ trong năm bị tồn kho hàng hóa, buộc phải giảm giá đối với những mặt hàng kém hút khách, khiến lợi nhuận bị sụt giảm, người tiêu dùng sẽ mua được những mặt hàng được giảm giá lớn.
Nhưng thực chất ở Việt Nam, có hiện tượng những nhà bán lẻ lớn bắt tay với nhà sản xuất để đưa ra mức giá cho dù có hạ giá đến đâu vẫn đem lại lợi nhuận, thậm chí ở mức cao.
Do không có khung giá chuẩn, người tiêu dùng không thể biết trị giá thật của sản phẩm, họ chỉ có cảm giác mình đã mua được một món hời. |
Hiện nay, ở nước ta, cơ quan quản lý chưa tính toán được chi phí, giá thành để có một khung giá chuẩn cho sản phẩm, nhằm giúp người tiêu dùng so sánh, cho nên rất khó xác định mức giảm giá thật là bao nhiêu.
Dù quảng cáo “khuyến mại khủng” nhưng phần lớn hàng hóa giảm giá không nhiều, hú họa một số dòng sản phẩm có thể giảm 50 đến 70% nhưng đều là mẫu mã cũ, hàng tồn quá lâu hoặc ngoại cỡ. Vì vậy, thực chất việc giảm giá “sốc” tới 70% ở nhiều nhãn hàng chỉ là chiêu lừa khách hàng.
Có thể thấy, cơ chế quản lý giá sản phẩm, các chương trình khuyến mại ở Việt Nam của các cơ quan chức năng chưa thật sự bài bản, có tính chuyên nghiệp, người bán cũng thiếu trung thực, không tạo được niềm tin cho khách hàng trong các chương trình khuyến mại./.