ĐBSCL được biết đến là vựa lúa quốc gia; đồng thời thủy sản, trái cây là một trong 3 mũi nhọn chủ lực mà thế giới biết đến châu thổ Cửu Long. Thế nhưng, những năm qua tiềm năng này của khu vực vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả. Theo các nhà quản lý nông nghiệp, các chuyên gia kinh tế, “điểm nghẽn” lớn nhất là khâu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Đầu tư ít, khó ứng dụng KHCN tiên tiến vào nông nghiệp

Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo và một số mặt hàng nông sản khác. Tuy nhiên, đã đến lúc phải xem xét lại những yếu tố giúp nông nghiệp tăng trưởng như tài nguyên, đất đai, nguồn nhân công – bởi những yếu tố này không còn tác dụng quyết định.

sanxuatnnongnghiep%20copy.jpg
Sức người vẫn chiếm đa số trên đồng ruộng

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhấn mạnh: “Khâu yếu kém nhất của ta hiện nay vẫn là bảo quản chế biến sau thu hoạch. Chính vì thế giá trị các mặt hàng nông sản xuất khẩu không cao; giá trị gia tăng trong nông nghiệp còn hạn chế. Vì thế, cần có sự tập trung đầu tư về khoa học công nghệ cho nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản”.

Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2000 – 2010, tổng mức đầu tư vào nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt từ 5 – 6% tổng chi ngân sách nhà nước, năm 2010 là 6,9%. Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, với mức đầu tư khiêm tốn như vậy, rất khó ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp cho khu vực trong thời gian ngắn.

Thời gian qua, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, “điểm nghẽn” khiến chuỗi giá trị nông sản của khu vực còn thấp chính là do quá trình cơ giới hóa chậm. Thể hiện rất rõ là toàn khu vực chỉ có khoảng 10.0000 máy gặt đập liên hợp, đáp ứng khoảng 45 – 50% nhu cầu thu hoạch lúa; máy sấy chỉ đảm bảo gần 39% sản lượng; bảo quản đúng kỹ thuật chỉ đạt 15%...

Vì thế, theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng Khoa Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ, khắc phục được những yếu kém này, nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL mới có thể hội nhập sâu, rộng vào thị trường thế giới.

Những năm gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã dành một số chương trình quốc gia phục vụ cho phát triển nông nghiệp nông thôn. Trong 9 sản phẩm quốc gia được Chính phủ phê duyệt, có 3 sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Đó là lúa gạo chất lượng cao, cá da trơn và nấm ăn, nấm dược liệu.

Hiện nay, đã có nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến chuỗi sản phẩm quốc gia trong nông nghiệp. Tuy nhiên, sự liên kết để có chuỗi giá trị giữa nông dân, doanh nghiệp, viện, trường và nhà nước còn chưa thực sự gắn kết dẫn đến những lãng phí và hiệu quả đạt được chưa cao. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư cho khoa học công nghệ trong nông nghiệp là chưa nhiều.

Phải đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp

Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ cho rằng trước nay, Nhà nước và người sản xuất đã ý thức được sự vận dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, nhưng đa phần sử dụng thiết bị máy móc nhập khẩu. Do vậy, để tự chủ trong việc ứng dụng tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp phải đẩy mạnh hơn công tác nghiên cứu; cần đẩy mạnh và liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa viện trường, doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp và nông dân trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu, làm sao để người nông dân thực sự được hưởng lợi từ các thành quả về khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Máy gặt đập góp phần giải phóng sức lao động trên cánh đồng lúa An Giang.

Để nông nghiệp Việt Nam thích ứng với điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, đã đến lúc phải thay đổi sự tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu. Hiệu quả, năng suất, giá trị gia tăng phải thay thế cho sản lượng, điều này thể hiện rất rõ nét trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái ở ĐBSCL.

Theo đó, phải có bước chuyển biến đồng bộ trong các khâu: từ tổ chức quản lý sản xuất, định hướng thị trường, đổi mới quy trình công nghệ trong sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nông sản, liên kết sản xuất - tiêu thụ, xây dựng chuỗi giá trị nông sản, khai thác các lợi thế so sánh, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, lao động.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nêu rõ: “Phải cơ giới hóa nông nghiệp. Muốn vậy, trong cơ chế chính sách đối với ruộng đất cần có sự điều chỉnh. Ngoài việc áp dụng cánh đồng mẫu lớn, phải cho phép tích tụ ruộng đất dưới nhiều phương thức khác nhau. Không có tích tụ ruộng đất, không có sản xuất lớn thì không có cơ giới hóa. Còn khi cơ giới hóa, năng suất lao động tăng, chất lượng tăng, người nông dân sẽ có thu nhập cao hơn, giá trị hàng hóa nông sản sẽ tốt hơn”.

Câu chuyện cơ giới hóa trong sản xuất và sau thu hoạch là vấn đề cấp bách của lĩnh vực nông nghiệp hiện nay. Đến năm 2020, việc phát triển nền kinh tế Việt Nam vẫn phải dựa vào vai trò của nông nghiệp. Trong khi trên thực tế hiện nay, khoa học công nghệ chỉ đóng góp khoảng 30% giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Theo phân tích của các chuyên gia, cơ chế, chính sách cho việc đổi mới khoa học công nghệ trong nông nghiệp cần có sự thay đổi lớn./.