Đột phá trong tăng trưởng
Phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 trong điều kiện có nhiều khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
Đặc biệt, sau 3 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng kinh tế thấp hơn năm trước, 6 tháng cũng thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhưng sau 9 tháng ước đã có khả năng đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu mà Quốc hội đặt ra, đó cũng có thể coi là một bước đột phá.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý: Với mức tăng trưởng 7,46% trong quý III/2017, thời gian tới không được chủ quan vì quý IV vẫn cần tăng tới 7,31%, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7%.
Bà Ngân cho hay, thực tế trong diễn biến tăng trưởng của quý III có một số yếu tố đột biến thì mới đạt được mức tăng trưởng cao như vậy. Trong đó phải kể đến điện tử tăng đến 45% nhờ cho ra sản phẩm mới, công nghiệp chế biến chế tạo tăng mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, địa phương nào cũng cần có những sản phẩm chủ yếu nhưng cần phải đa dạng hóa chứ không nên phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp, một vài sản phẩm cụ thể, nếu không khi doanh nghiệp "hắt hơi, sổ mũi" là nền kinh tế sẽ gặp khó khăn.
Bên cạnh những điểm sáng của nền kinh tế 9 tháng đầu năm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chỉ ra một số hạn chế, đó là phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế.
Bà Ngân cho rằng, ngay cả công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng ấn tượng nhưng chủ yếu vẫn nhờ vào doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). “Chúng ta không phân biệt doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, nhưng cần phân tích để thấy doanh nghiệp trong nước vẫn đang yếu”, bà Ngân lưu ý.
Hiện khối doanh nghiệp FDI có nhiều đóng góp tích cực cho nền kinh tế (Ảnh minh họa: KT) |
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngay trong công nghiệp chế biến chế tạo, kim loại thì tăng trưởng cũng nhờ vào một số sản phẩm nhất định chứ không phải tổng thể nền kinh tế. Điều này khiến nền kinh tế thiếu bền vững.
Bà Ngân dẫn chứng: Tại Hải Dương, nguồn thu lớn nhất của tỉnh này trông vào hãng ô tô Ford nên khi doanh nghiệp này “hắt hơi, sổ mũi” là ngân sách tỉnh có vấn đề ngay. Trường hợp khác là Samsung, năm trước sản phẩm bị lỗi một chút lập tức ảnh hưởng ngay đến chỉ tiêu xuất khẩu của Việt Nam và nguồn thu ngân sách của tỉnh Bắc Ninh nói riêng, cả nước nói chung.
Thủ tướng: Sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017
Doanh nghiệp vẫn còn gặp khó
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thu ngân sách nhà nước năm 2017 vẫn khó khăn, trong đó thu nội địa, các khoản thu từ sản xuất kinh doanh đều đạt thấp, chứng tỏ hoạt động của các doanh nghiệp vẫn khó khăn.
Trước thực tế tổng nợ thuế còn rất lớn, lên tới trên 74.000 tỷ đồng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại, xem khoản nào là nợ xấu hoàn toàn thì xin chủ trương của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận, nhiệm vụ thu ngân sách sẽ rất khó hoàn thành mà lý do là dự toán giao thu từ khối doanh nghiệp quá cao.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng |
Theo Bộ trưởng, các chỉ số kinh tế hiện đã có những khởi sắc nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn. "Lâu nay chúng ta chỉ báo cáo số doanh nghiệp đăng ký mới nhưng qua theo dõi vài năm trở lại đây cứ 4 doanh nghiệp gia nhập thị trường thì có 3 doanh nghiệp đóng cửa, phá sản”, ông Dũng nêu thực tế.
Cụ thể, ông Dũng cho biết, trong số hơn 600.000 doanh nghiệp và hộ kinh doanh đang nợ thuế, có 160.000 là doanh nghiệp, còn lại là các hộ kinh doanh, nhiều đơn vị nợ thuế hơn 10 năm nay. Tính đến ngày 30/9, tổng nợ thuế của cả nước đang là 73.900 tỉ đồng.
Đáng chú ý, số nợ do doanh nghiệp giải thể, mất tích, chủ doanh nghiệp đã chết, đang thi hành án hình sự... lên tới 28.221 tỉ đồng. Trước số nợ thuế khổng lồ này, theo ông Dũng, số có thể thu hồi được chỉ chiếm khoảng 3%, tương đương hơn 2.200 tỉ đồng./.