Những năm gần đây, Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam phát triển cả về số lượng và chất lượng, điều đó thể hiện qua những con số ấn tượng khi năm 2019 Việt Nam ghi nhận mức tăng 92 % về giá trị đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, số vốn đầu tư lên 861 triệu USD với 123 thương vụ. Điều này khiến Việt Nam đang là một điểm đến hấp dẫn và thu hút của các Quỹ đầu tư sáng tạo khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

Chuyển đổi số tạo động lực đổi mới sáng tạo

Chia sẻ tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020 diễn ra sáng 25/11, ông Võ Hồng Kỳ, Giám đốc bán hàng Siemens Việt Nam cho biết, những giải pháp công nghệ tiên tiến để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số là hết sức cần thiết, đây là tiền đề và mục tiêu của nhiều DN khởi nghiệp sáng tạo.

Nhưng hiện nay, vẫn còn nhiều tập đoàn, DN còn đang loay hoay khi chưa coi đổi mới công nghệ, chuyển đổi số là việc làm cấp thiết, điều này cũng là hạn chế chung của các DN khởi nghiệp, cho nhiều nhà cung cấp. Chính vì thế, với mỗi DN Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là trong lĩnh vực chế tạo sản xuất công nghiệp cần phải bắt đầu từ chiến lược của mỗi người chủ DN, họ phải coi đó là việc thật sự muốn làm.

Cũng theo ông Kỳ, trong quá trình chuyển đổi số của DN cần đảm bảo 4 mục tiêu: Thứ nhất làm sao để cho các sản phẩm ra thị trường nhanh hơn, bởi 1 sản phẩm tốt nhưng DN chậm đưa ra thị trường sẽ là thua. Thứ hai, làm sao để cho hệ thống sản xuất quản lý về chế tạo linh hoạt hơn. Thứ ba, DN cần có một hệ thống quản lý chất lượng để có thể kiểm soát được các sản phẩm từ lúc được nghiên cứu chế tạo, cho đến lúc sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường, nghĩa là một chuỗi gọi là chất lượng khép kín. Thứ tư mới chính là hiệu quả kinh tế mà DN cần phải tính đến.

“Một chuỗi số hóa phải được kết nối với nhau, còn nếu mỗi phòng, ban tự trang bị phần mềm hay công nghệ riêng sẽ rất khó để kết nối. Điều này sẽ mâu thuẫn với tất cả 4 mục tiêu kể trên”, ông Vũ Hồng Kỳ nhấn mạnh.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách chủ động tích cực, giúp các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN khởi nghiệp tiếp cận và tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bước đi cụ thể chính là việc thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trung tâm xác định vai trò là hạt nhân kết nối các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, là đầu mối phát huy các nguồn lực trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bước sang năm 2020, nền kinh tế Việt Nam và thế giới chịu nhiều khó khăn do tác động của đại diện của Covid-19, tạo ra thách thức nghiêm trọng đến mục tiêu tăng trưởng và phát triển của các quốc gia. Mặc dù vậy, thị trường đầu tư khởi nghiệp Việt Nam vẫn có một số điểm sáng khi nhiều DN Việt Nam đã chủ động, linh hoạt trong đổi mới mô hình kinh doanh nắm bắt tận dụng được thời cơ sự thay đổi dịch chuyển của thị trường.

Chính vì vậy, Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020 được đánh giá là điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động dành cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, qua đó khẳng định chủ trương của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua đổi mới sáng tạo trong giai đoạn tới. Đây sẽ là bệ phóng góp phần nâng tầm giá trị sáng tạo của Việt Nam trên trường quốc tế.

Xung lực mới cho cộng đồng DN khởi nghiệp

Đồng hành với các sự kiện liên quan đến cộng đồng startup nhiều năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020 lần đầu tiên được tổ chức trực tiếp và trực tuyến, ngoài các nhà đầu tư có mặt trực tiếp, đã có rất nhiều nhà đầu tư, DN khởi nghiệp ở khắp nơi đang theo dõi đã cho thấy một sự thích ứng theo hướng đi lên. Sự quan tâm này lại càng được chứng tỏ khi năm nay số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư cam kết tăng gấp rưỡi, gấp đôi số tiền đầu tư.

Đặc biệt theo Phó Thủ tướng, trong khi nhiều nước trên thế giới đang căng mình chống dịch Covid-19, Việt Nam vẫn tổ chức được các hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, kể các hoạt động đối ngoại xuyên biên giới,... bởi “trong cái khó, ló cái khôn”, các DN đã thể hiện được tính chủ động, linh hoạt, thích ứng của mình.

“Sau 1 năm các quỹ đầu tư vào DN khởi nghiệp ở Việt Nam tăng đột biến, đạt mức 800 triệu USD, song năm 2020 lượng vốn chỉ đạt khoảng hơn 200 triệu USD. Tuy vậy, trong bức tranh chung của cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam vẫn có những điểm sáng đáng lưu ý. Nhiều DN khởi nghiệp của Việt Nam đã nằm trong tốp đầu, đồng hành cùng với các DN nước ngoài khi cung cấp được các dịch vụ giao thông vận tải, thương mại điện tử cũng như tạo các không gian làm việc chung”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, “dù mừng nhưng chúng ta cũng không nên quá hài lòng”. Đơn cử, nhiều dự đoán cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ làm cho thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử tăng đột biến nhưng ở Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng.

Chính vì thế, Việt Nam cần huy động sức mạnh của cộng đồng để tạo ra những nền tảng, hệ sinh thái, dữ liệu lớn để các DN khởi nghiệp tìm thấy cơ hội kinh doanh. Cùng với đó, Chính phủ sẽ luôn mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động ở Việt Nam hỗ trợ các DN khởi nghiệp trong nước tự tin bước ra thế giới.

“Tới đây, khi Chính phủ triển khai chương trình chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, DN và toàn xã hội, chắc chắn sẽ tạo ra xung lực mới cho cộng đồng DN khởi nghiệp Việt Nam. Cộng đồng DN khởi nghiệp hơn lúc nào hết cần nắm chặt tay nhau tạo thành mạng lưới, kết nối không phân biệt trong nước hay nước ngoài, giữa DN theo mô hình truyền thống hay khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để có những bước tiến lớn hơn, tạo ra những xung lực mới, cùng nhau đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, góp phần vào phát triển trong khu vực, giải quyết những vấn đề chung của nhân loại”, Phó Thủ tướng tin tưởng./.