Hai bên không có họp báo, không đưa ra tuyên bố chung hay kế hoạch hành động. Giới đầu tư xem những tín hiệu tiêu cực từ cuộc đối thoại, việc thiếu vắng những tuyên bố thương mại mới sẽ dẫn tới khả năng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ áp thuế hoặc hạn ngạch nhập khẩu thép trong những tuần sắp tới.
Kết thúc cuộc đối thoại, các quan chức Bộ Tài chính và Thương mại Mỹ từ chối bình luận, còn Trưởng phái đoàn Trung Quốc, Phó Thủ tướng Uông Dương cũng rời phòng họp mà không có phát biểu nào với báo chí.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu khai mạc Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ - Trung. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
"Trung Quốc hiện chiếm gần một nửa thặng dư thương mại của Mỹ. Nếu đây là kết quả tự nhiên của tự do thị trường thì chúng tôi có thể hiểu để chấp nhận nhưng không phải thế, đã đến lúc tái cân bằng mối quan hệ đầu tư thương mại theo cách công bằng, tương trợ lẫn nhau hơn” - Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết.
Trước đó, 2 bên đã đặt ra kế hoạch 100 ngày đối thoại về kinh tế, bao gồm cả vấn đề thặng dư thương mại sau cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4 vừa qua. Trung Quốc đã có bước đi xoa dịu như đồng ý nhập khẩu thịt bò Mỹ và cam kết mua khí đốt hóa lỏng cũng như cho phép các công ty dịch vụ thanh toán bằng thẻ của Mỹ hoạt động tại Trung Quốc.
Trong khi Tổng thống Donald Trump muốn cắt giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc và đưa việc làm trở về Mỹ, thì Bắc Kinh phản pháo cho rằng dòng tiền đầu tư của Trung Quốc đã cứu nền kinh tế Mỹ.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương nhấn mạnh hai nước cần đối thoại mà không đối đầu, bởi đối đầu ngay lập tức sẽ làm tổn hại lợi ích của cả hai nước.
Ông dẫn một đoạn trong sách bí quyết kinh doanh của Tổng thống Donald Trump xuất bản năm 2009 dưới tiêu đề “Tư duy như nhà vô địch”, trong đó nói rằng, “cùng đến với nhau là sự khởi đầu, duy trì cùng nhau là tiến bộ và làm việc cùng nhau là thành công”.
Tuy nhiên trước đó, tại một diễn đàn doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Uông Dương cho rằng, chính sách của Mỹ là một phần nguyên nhân dẫn tới thâm hụt thương mại cao. Tiềm năng thị trường rất lớn cho Mỹ xuất khẩu hàng công nghệ cao vào Trung Quốc nhưng doanh nghiệp Mỹ đã không có được thị phần công bằng trong “chiếc bánh” do các quy tắc lỗi thời về kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Một bài xã luận trên tờ báo đảng của Trung Quốc số ra hôm qua còn cho rằng nước Mỹ đang trong tình trạng hỗn loạn về chính trị và chịu ảnh hưởng từ một hệ thống bị phá vỡ, đó là lý do chính quyền Mỹ luôn gặp khó khăn trong các cuộc đàm phán quốc tế gần đây.
Sự bất đồng và đổ lỗi cho chính sách giữa hai bên khiến rạn nứt quan hệ kinh tế giữa hai nước khó được hàn gắn. Sau cuộc đối thoại kinh tế không có tiến triển như kì vọng, chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ áp thuế hoặc hạn ngạch đối với thép nhập khẩu, bước đi có thể khơi mào cho cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới./.